Yamaha A-S1200 phản ánh rất rõ tinh thần chế tác đồ hi-end của người Nhật, chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết bên ngoài lẫn bên trong. Đây là mẫu ampli tích hợp có màu âm thú vị mang tính mộc, âm đầy đặn với phần nền âm đạt độ tĩnh hiếm gặp trong tầm giá.
Thiết kế hoài cổ, kết hợp chuẩn mục hi-end và sự tỉ mỉ chi tiết của người Nhật
A-S1200 nằm trong bộ ba ampli tích hợp hai kênh thế hệ 2020 của Yamaha cùng với hai đàn anh lớn hơn là A-S2200 và A-S3200 (thay cho các model A-S1100, A-S2100 và A-S3100). Các mẫu ampli tích hợp này có cùng ngôn ngữ thiết kế mang phong cách retro với nền tảng kỹ thuật dựa trên bộ pre và poweramp đầu bảng của hãng là C-5000 và M-5000.
Xét riêng về độ hoàn thiện bên ngoài, Yamaha A-S1200 xứng đáng vượt mặt các đối thủ. Trong vùng giá xung quanh mức 2.000USD, hầu như không thể tìm được một mẫu ampli có độ hoàn thiện chi tiết xuất sắc như Yamaha A-S1200. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chiếc ampli này đó là trọng lượng của nó. Yamaha A-S1200 nặng đến 22 kg, so với ngoại hình không quá lớn, hoàn toàn có thể đoánh nhanh được chất lượng bộ khung vỏ chassis và bộ nguồn bên trong được hãng đầu tư rất tốt.
Hoài cổ là phong cách thiết kế được nhiều thương hiệu âm thanh ứng dụng trong những năm gần đây. Việc tái tạo lại một hình mẫu vintage không khó nhưng kết hợp được nét cổ xưa, sự tinh tế trong chọn vật liệu và độ tỉ mỉ trong từng đường nét hoàn thiện là điều ít gặp được. Ngay cả những món đồ hi-end tiền trăm triệu cũng dễ dàng lộ những điểm vụng về trong việc “giả cổ” lại các thiết bị tiền bối thời xưa. Nó về sự tỉ mỉ và chỉn chu, Yamaha A-S1200 là mẫu ampli có độ hoàn thiện mà chúng tôi ưng ý nhất từ trước đến nay trong phân khúc.
Mặt trước của A-S1200 ngay lập tức đưa chúng ta trở về thập niên 70 – 80 với điểm nhấn là cặp đồng hồ UV, dàn nút điều khiển hoài cổ trên nền máy màu bạc phay xước được xử lý mịn với gân sắc nét. Cặp đồng UV có kim màu đỏ cam, tăng độ nổi bật nhờ lớp kính không để trắng mà được nhuộm xanh nhẹ. Quan sát thật kỹ mới thấy hết được sự cầu toàn và chi tiết ấn tượng của Yamaha A-S1200. Toàn bộ các nút điều khiển của máy, dù là những nút dạng thanh dẹp có tiết diện rất nhỏ nhưng đều được hãng phay rãnh bề mặt, sau cùng còn được phủ một lớp xi bảo vệ ánh bảy màu.
Hai mặt hong của A-S1200 được ốp hai tấm gỗ dày, cũng là một thiết kế gợi lại thiết bị hi-end cao cấp của Nhật trước đây. Tấm gỗ này dày hơn 1cm được gia công theo tiêu chuẩn chế tác đàn piano với bề mặt được sơn mài rất nhiều lớp, tạo độ bóng và có bề mặt cực phẳng. Mặt sau của ampli cũng hoàn toàn không có điểm chê, toàn bộ các jack cắm đều được mạ vàng rất dày. Đặc biệt, bộ bộ cọc loa A và B được hãng gia công bằng thau mạ vàng. Cọc loa này có đường kính lớn, cho thao tác bắt cọc loa dạng càng cua rất chắc chắn, êm tay, nhờ cơ cấu bệ đỡ bằng nhựa kết hợp với các vòng đệm.
Bộ nguồn xuyến lớn, thiết kế mạch khuếch đại cân bằng
Chúng tôi mất khá nhiều thời gian để mở khoảng 20 con vít mới tiếp cận được toàn bộ “nội thất” ampli A-S1200. Điểm gây chú ý ngay lập tức đó là bộ nguồn rất lớn ở giữa và 2 bo mạch khuếch đại output độc lập cân bằng hoàn toàn. So với model A-S1100 trước đây, điểm khác biệt lớn và giá trị nhất chính là việc thay đổi biến thế lõi EI sang dùng biến thế nguồn xuyến lớn. Biến thế này được bố trí chắc chắn trực tiếp vào khung đáy chassis, có công suất 625VA. Năng lượng của ampli được tích trữ trong bộ 4 tụ lớn, có vỏ màu xanh nổi bật, mỗi tụ này có trị số 63V/18.000uF, được Yamaha đặt hàng theo tiêu chuẩn riêng từ nhà cung cấp Nippon Chemi. Việc sử dụng biến thế nguồn xuyến giúp hạn chế nhiễu nội và quan trọng hơn là tăng cường độ ổn định nền âm cũng như tối ưu độ động.
Về cấu trúc mạch, Yamaha A-S1200 sử dụng toàn bộ rờ-le chuyển mạch đầu vào để giảm nhiễu âm. Tín hiêu sau đó sẽ qua mạch preamp stereo và tách di chuyển độc lập cân bằng đến hai bo mạch khuếch đại trái/phải, giúp tránh được nhiễu chéo và tăng hiệu quả tách tiếng, tăng dynamic. Mạch khuếch đại output của A-S1200 sử dụng Mosfet cho công suất đầu ra 160W/4ohm với trị số damping factor thuộc mức cao trên 250.
Một điểm thay đổi nhỏ ít được chú ý đó là dây nối từ mạch ouput đến cầu loa được nâng cấp lên dây lõi đồng lớn 2.0mm, các dây nối mass mạch cũng được nâng cấp, giúp tối ưu hơn nữa độ nhiễu ồn nền, mở rộng âm hình. Các tụ điện cũng được thay đổi loại tốt hơn, nhất là các tụ màng film PP, rất nhiều tụ Nichicon cao cấp được sử dụng trong bo mạch. Ngoài các ngỏ vào thông thường, Yamaha A-S1200 được trang kết nối phono hỗ trợ kim MM/MC.
Chống rung là điểm nhấn vượt trội, tạo nên sự khác biệt đáng kể
Trong khung giá này, ít có nhà sản xuất hi-end này tạo nên một giải pháp chống rung toàn diện như Yamaha. Giải pháp chống rung này được gọi là kỹ thuật Mechincal Ground Concept được Yamaha ứng dụng cho toàn bộ ba mẫu ampli A-S1200, 2200 và 3200. Đầu tiên phải kể đến bộ chân máy, đây là chân bằng nhôm được thiết kế cách li rung chấn và hàn trực tiếp vào chassis đáy của máy tạo thành một liên kết vững, giúp quá trình xả rung từ thiết bị nhanh nhất có thể.
Thông thường biến thế xuyến sẽ được cố định bằng cách bắt một con vít lớn từ tâm giữa vào đáy của chassis nhưng Yamaha A-S1200 đã chọn một giải pháp chống rung tốt hơn hẳn. Hãng sử dụng đến 4 chân ốc cố định biến thế xuyến vào chassis và bố trí 4 vòng đệm bằng thau gia công nguyên khối để có thể cách ly rung chấn theo kiểu sandwich cực êm. Dù là một chi tiết kỹ thuật nhỏ bên trong nhưng các vòng đệm này được gia công với độ chính xác rất cao và mạ vàng tinh xảo. Tương tự với hệ thống 4 tụ lọc lớn, Yamaha thiết kế một chân đế đệm và bắt trực tiếp vào chassis đáy, khoảng trống giữa các tụ còn được chèn một tấm mousse hấp thụ rung động trong quá trình tụ nạp/ xả điện.
Kỹ thuật chống rung Ground Mechanical Concept còn thể hiện ở việc sử dụng các tấm tản nhiệt nhôm rất dày, các bo mạch được sắp xếp chống rung tối đa, khung máy cố định bằng khung thép, nắp máy trên rất dày và nặng, kết hợp cơ cấu bắt ngang hai bên của 2 má gỗ. Tất cả giúp cho Yamaha A-S1200, một ampli tầm giá 2.000USD có được hiệu quả chống rung tương đương những thiết bị đắt tiền gấp nhiều lần nhưng vẫn giữ được trọn nét thiết kế hoài cổ, gọn gàng.
Chất âm tự nhiên màu Class A
Chúng tôi chạy rà Yamaha A-S1200 khoảng 150 giờ, đôi loa dùng để phối ghép là một thiết kế cũng rất retro, Sonus Faber Mini Amator II. Đây là đôi loa nhỏ nhưng không hề dễ kéo, hoạt động ở mức trở kháng 4ohm và có cấu trúc thùng loa khá đặc biệt, dùng toàn gỗ tự nhiên nguyên khối dày.
Track thử đầu tiên là bản Liebesleid trong album “Virtuoso! A Treasury of Favorite Violin Encores”, được trình bày bởi hai nghệ sĩ Jaime Laredo (violin) và Margo Garette (Piano). Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là rất bất ngờ với khả năng tái tạo nền âm của Yamaha A-S1200. Ampli này cho độ tĩnh nền vượt trội so với hầu hết những ampli cùng phân khúc mà chúng tôi từng trải nghiệm. Tiếng đệm piano có độ thấp, êm và nở rộng với âm thùng đàn ấn tượng. Ngay cả ở những nốt đệm nhỏ nhẹ, hiệu ứng về độ thấp, hiệu ứng vang vẫn được ampli giữ ở mức rõ nét. Một điều thú vị về ampli Yamaha A-S1200 đó là màu âm của nó thiên tự nhiên, có phần ấm ngọt, khá gần với ampli Class A.
Độ căng và nhất là độ mượt của tiếng viloin do Jamie Laredo tạo được nhạc cảm tốt, không hề có điểm gắt, hoặc hài âm cuối bị làm mỏng, mọi âm sắc đều có độ no đầy, cho người nghe cảm giác thưởng thức một cây violin được chơi trực tiếp trước mắt. Cũng chỉ trong bản thu này, chúng tôi phần nào đánh giá được khả năng tái tạo sân khấu của Yamaha A-S1200. Ampli làm rất tốt việc dựng lên một sân khấu chung nhưng ở trong sân khấu ấy, chúng ta vẫn có thể dễ dàng “nhìn” thấy vùng không gian của hai nhạc cụ được chơi từ hai nghệ sĩ.
Với khả năng xử lý rung chấn cực tốt, những nâng cấp bộ nguồn, dây dẫn, linh kiện… đã giúp Yamaha A-S1200 có được hiệu quả tái táo âm thanh với độ tĩnh cao vượt trội. Bên cạnh đó, chất tiếng tự nhiên và ồn âm thấp là một lợi thế cho phép ampli tạo nên dải trung âm rất đẹp. Cụ thể với track thử Just A Little Lovin’ trong album cùng tên do Shelby Lynne thể hiện, hệ thống tái tạo chất giọng với độ đặc, độ mọng trong cách xử lý âm mũi đặc biệt. Không gian của ca sĩ cũng được ampli mở rất rộng. Tiếng cympal và bass của bản thu này rất ưng ý. Âm trầm không theo kiểu dứt điểm mà được thả đậm, dày xuống nền và quan trọng nhất là tạo được không gian bass, tức độ nở của từng tiếng bass tốt, trong khi cympal có độ rãi âm hoàn chỉnh.
Yamaha A-S1200 có thể nói là một trong những ampli có tính “analog” đậm nhất trong phân khúc giá, bạn có thể dễ dàng trải nghiệm độ mộc, khoảng âm mid low đầy đặn, bass thấp có độ thả và một dải cao mượt. Tuy nhiên, điểm mà A-S1200 vẫn chưa mạnh đó là khả năng xử lý sân khấu. Đừng hiểu lầm rằng sân khấu âm thanh của ampli bị hẹp, ngược lại, A-S1200 sẽ khiến bạn ngạc nhiên về độ mở rộng, không gian phía sau loa đầy tiếng. Tuy nhiên, âm thanh tổng thể, nhất là tiếng ca sĩ vẫn có phần hơi nhô lên phía trước, ngoài ra, vùng âm hình phía sau loa dù rất rõ nhưng chưa thật sự lùi thoát khỏi bức tường sau.
Kết luận
Rất lâu rồi anh em biên tập chúng tôi, những người tiếp xúc với rất rất nhiều thiết bị âm thanh mới có dịp trải nghiệm được một mẫu ampli có thể nói là đạt được rất nhiều điểm A về ngoài hình, sự tỉ mỉ trong thiết kế, kết cấu kỹ thuật được đầu tư ấn tượng và cả chất âm thiên Class A. Yamaha A-S1200 thể hiện rõ triết lý thiết kế cực kỳ chi tiết và đòi hỏi sự hoàn thiện rất cao người Nhật cùng với màu âm thiên tự nhiên, dễ dàng đưa người nghe tiếp cận độ cảm nhạc của những sân khấu live ngay tại căn phòng của mình.