Bất chấp doanh số giảm sút do lệnh cấm của Mỹ, nhà sáng lập Huawei khẳng định ‘không bao giờ’ bán bộ phận smartphone của hãng.
Tuần trước, nhà sáng lập kiêm CEO Huawei Nhậm Chính Phi cho biết công ty sẵn sàng chuyển giao công nghệ 5G nhưng không bao giờ từ bỏ mảng smartphone. Ông Nhậm đưa ra khẳng định như vậy dù doanh số smartphone – thứ mà ông miêu tả là “thiết bị đầu cuối vì kết nối mạng” – trên đà giảm sút từ khi Mỹ giới thiệu các biện pháp cấm vận thương mại đối với Huawei.
Chỉ mới mùa hè năm 2020, Huawei còn vượt mặt Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Song đến quý IV, hãng điện thoại Trung Quốc rơi xuống vị trí thứ sáu, theo số liệu của hãng nghiên cứu Canalys. Trong khi đó, hãng nghiên cứu TrendForce dự đoán Huawei còn tiếp tục hạ cấp xuống hạng 7 vào năm nay.
Huawei đã từ bỏ một số bộ phận, chẳng hạn tháng 11/2020, bán thương hiệu điện thoại bình dân Honor cho một liên minh gồm 30 đại lý và môi giới. Từ đó, tin đồn về khả năng bán thương hiệu cao cấp Mate và P cũng dấy lên. Dù vậy, công ty duy trì cam kết gắn bó với thị trường smartphone đắt tiền. Các nhà phân tích nhận định chúng là một phần không thể tách rời với việc kinh doanh nói chung của Huawei.
Thiết bị đầu cuối, đặc biệt là smartphone, giúp xây dựng nền tảng người dùng vững mạnh, tạo ra doanh thu từ các dịch vụ khác. Ví dụ tốt nhất chính là Apple và iPhone. Ông Nhậm gọi bất kỳ thiết bị nào có thể kết nối với con người hoặc vật thể là thiết bị đầu cuối. Do đó, định nghĩa còn bao gồm cả hệ thống radar dùng trong xe tự lái, thiết bị IoT trong nhà thông minh.
Phó Chủ tịch Nghiên cứu thiết bị IDC Bryan Ma cho rằng thiết bị đầu cuối là thuật ngữ riêng của ngành viễn thông, phản ánh gốc gác của Huawei vì họ có nhiệm vụ kết nối thiết bị đầu cuối với mạng lưới trong nhiều năm. Một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh này chính là Harmony, hệ điều hành xuất hiện 3 tháng sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách cấm vận Entity List năm 2019. Lệnh khiến Google phải dừng cung cấp ứng dụng và dịch vụ trên sản phẩm mới của Huawei và Huawei không được mua linh kiện Mỹ.
Tháng 9/2020, Huawei thông báo dự định chuyển từ Android sang Harmony trên mọi smartphone từ năm 2021. Harmony không chỉ dành cho điện thoại mà còn sử dụng trên nhiều danh mục khác như tablet, máy tính, smart TV do Huawei sản xuất. Chẳng hạn, nó đang được hơn 20 công ty phần cứng ứng dụng như Midea, Joyoung, Robam Appliances.
Huawei cũng muốn cung cấp thiết bị và phần mềm viễn thông cần thiết cho xe thông minh, thành lập nền tảng Giải pháp xe hơi thông minh (Huawei HI) mà trong đó, Harmony đóng vai trò điều khiển. Để giữ cho chiến lược hệ sinh thái kết nối tồn tại và phát triển, Huawei cần duy trì sự sống cho bộ phận thiết bị đầu cuối, ít nhất tại Trung Quốc. Thành công tại quê nhà có thể lan sang các nước khác với sự trợ giúp của Harmony.
Dù vậy, trở ngại lớn nhất mà Huawei đang đối mặt chính là lệnh cấm vận của Mỹ khiến việc thu mua linh kiện trở nên khó khăn. Richard Yu Chengdong, CEO bộ phận tiêu dùng Huawei, từng thừa nhận điều đó vào tháng 8/2020. Tác động của lệnh cấm không dừng lại ở smartphone. Vấn đề chip là nguy cơ đối với hầu hết sản phẩm trong bộ phận thiết bị đầu cuối, trải rộng từ điện tử tiêu dùng, 5G đến thiết bị liên lạc xe hơi vì chúng đều phụ thuộc vào các sản phẩm chip khác nhau mà Huawei không thể tự sản xuất được. Theo một Giám đốc bán hàng tại công ty viễn thông Trung Quốc Quectel Wireless, Huawei đang gặp vấn đề về mô-đun 5G.
Huawei cũng phải để mắt tới các chính sách của Mỹ để duy trì lợi thế cạnh tranh và ổn định chuỗi cung ứng. Chiến lược hệ sinh thái rất khó bền vững khi doanh số sụt giảm. Tarun Pathak – Phó Giám đốc thiết bị di động và hệ sinh thái hãng nghiên cứu Counterpoint – nhận xét nếu chính phủ Mỹ áp dụng lập trường ngoại giao hơn với các công ty Trung Quốc, Huawei sẽ có cơ hội sống, đặc biệt về khía cạnh thiết bị đầu cuối.
Bộ phận điện tử tiêu dùng, bao gồm smartphone, đóng góp 54% doanh thu 2019 của Huawei và là bộ phận tăng trưởng nhanh nhất. Các chuyên gia khác lưu ý bán một bộ phận đang hoạt động tốt không giải quyết vấn đề lệnh cấm Mỹ và chỉ khiến Huawei đánh mất nguồn thu quan trọng.
Ông Nhậm tự tin những mảng kinh doanh mới sẽ bù đắp cho doanh thu sụt giảm từ mảng smartphone trong năm nay. Huawei đang đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng mới như xe thông minh, đồng thời tập trung hơn vào các mảng có sẵn như đám mây. Song ông cũng thừa nhận bỏ tên Huawei khỏi danh sách đen của Mỹ là “đặc biệt khó”.
Du Lam (Theo SCMP)