CEO Facebook dường như đang phản ứng thái quá trước những động thái hạn chế khai thác dữ liệu người dùng từ Apple.
Cây bút Jasen Aten từ Business Insider cho rằng từ trước tới nay, không có nhiều người từng từ chối Mark Zuckerberg. “Đó là chuyện thường xảy ra khi bạn là một trong những người giàu nhất thế giới, và điều khiển một trong những nền tảng ảnh hưởng tới cuộc sống của 3 tỷ người”, Jasen Aten viết trong bài đăng trên Inc.
Kẻ duy nhất dám nói “không” với Mark Zuckerberg
Có 2 lý do dẫn đến chuyện này. Đầu tiên là những cá nhân ở vị thế như vậy thường sẽ để lại quanh mình người có chung niềm tin, quan điểm.
Thứ hai, khi bạn tin tưởng điều bạn đang làm là cao quý và đúng đắn, thì bạn sẽ thấy những lời phản đối rất vô lý. Qua một thời gian, những người có thể phản đối sẽ dần dần hiểu rằng họ không nên làm vậy, bởi câu trả lời duy nhất được chấp nhận là “có”. Cuối cùng, chẳng còn ai nói với Zuckerberg và Facebook từ “không”.
Ngoại trừ Apple.
Nhà sản xuất iPhone đã thể hiện rất rõ ràng rằng họ phản đối cách mà Facebook kiếm tiền từ thông tin của người dùng.
Đó là lý do Facebook đang dồn toàn lực để phản đối Apple, đặc biệt là khi tính năng mới của iOS 14 sắp có hiệu lực. Với tính năng này, nhà phát triển ứng dụng sẽ phải được người dùng cấp phép trước khi có thể theo dõiqua các ứng dụng, website.
Rõ ràng một nước đi như vậy sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới tình hình kinh doanh của Facebook. Tuy nhiên, điều thú vị là Apple không nói rằng nhà phát triển không được theo dõi người dùng. Họ chỉ yêu cầu nhà phát triển phải được sự đồng ý.
Facebook dường như không hiểu được vế thứ hai. Họ chỉ nghe tới vế thứ nhất, và nghĩ ngay tới một câu từ chối.
Ngay lập tức, Facebook đã mở một chiến dịch phản kích trên truyền thông. Trong vài tháng qua, họ đã mua quảng cáo trên báo, khẳng định với nhà đầu tư của mình Apple là “đối thủ cạnh tranh lớn nhất”, và dường như còn chuẩn bị nhiều đơn kiện hướng tới App Store.
Năm 2018, khi CEO Apple Tim Cook khẳng định mình sẽ không ở hoàn cảnh khó xử vì dữ liệu người dùng, Mark Zuckerberg đã nổi giận. Theo tiết lộ trong một bài viết của Wall Street Journal, CEO Facebook đã hứa với những nhân viên rằng sẽ khiến cho Apple “phải chịu đau đớn”.
Gần đây, lại có thông tin rằng Facebook đang muốn làm một chiếc đồng hồ để cạnh tranh với Apple Watch.
Vấn đề lớn nhất của Facebook
Tôi nghĩ rằng câu hỏi quan trọng nhất là tại sao Mark Zuckerberg, người giàu thứ tư thế giới với tài sản hơn 100 tỷ USD ở tuổi 37, lại dành nhiều thời gian như vậy để nghĩ về Apple?
Câu trả lời có lẽ là Apple đã trở thành tiếng nói lẻ loi dám phản đối kế hoạch của Mark Zuckerberg.
Bạn có thể nói Apple đang phục vụ lợi ích của chính họ. Tuy nhiên, tôi cho rằng khi một công ty có thể phục vụ lợi ích của người dùng và của họ cùng lúc thì đó là cách kinh doanh rất khôn ngoan. Apple rõ ràng được lợi khi sử dụng quyền riêng tư để làm sự khác biệt với những đối thủ. Đó là một trong những giá trị mà họ mang lại cho khách hàng của mình, những người sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm.
Điều này cũng giải thích vì sao Zuckerberg bị ám ảnh bởi Apple. Mọi người dùng Facebook đều là khách hàng của Apple hoặc Google, hay nói đúng hơn là iOS hoặc Android. Các nền tảng này gần như là một “người gác cổng” giữa người dùng và bất kỳ dịch vụ nào bên thứ ba.
Trên chiếc iPhone, Apple sở hữu cả phần cứng và phần mềm, và họ là người được phép ra luật chơi. Facebook thì phải phụ thuộc vào thiết bị của người dùng, và phải được sự cho phép của Apple, Google.
Dường như Zuckerberg không thích luật chơi này, bởi nó hoàn toàn xung đột với cách Facebook kiếm tiền.
Nếu như mô hình kinh doanh của bạn bị đe dọa khi người dùng có thể chọn lựa cho phép theo dõi hay không, thì chính mô hình kinh doanh đó, chứ không phải Apple, là vấn đề.
Thay vì tập trung vào những đối thủ, Facebook nên tìm cách làm cho chính họ tốt hơn. Họ nên sửa đổi mô hình kinh doanh của mình, thay vì đổ lỗi cho Apple.
Tuy nhiên, thừa nhận bản thân mình là vấn đề không bao giờ là điều dễ dàng. Thay vào đó, mỗi lần gặp vấn đề, việc dễ nhất là la làng và than phiền đối thủ.