Ngày 18-1, Tòa án Cấp cao Seoul của Hàn Quốc đã tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù đối với người thừa kế Tập đoàn điện tử Samsung, ông Lee Jae-yong, trong phiên tòa xét xử lại vụ án nhận hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye.
Vụ việc không chỉ gây chấn động tại Hàn Quốc mà còn thu hút sự chú ý của dư luận thế giới bởi Tập đoàn Samsung là một “gã khổng lồ” nổi tiếng toàn cầu, có ảnh hưởng lớn trên thị trường quốc tế.
Ông Lee Jae-yong là người lãnh đạo trên thực tế của Tập đoàn Samsung kể từ năm 2014. Phán quyết này có khả năng ảnh hưởng đến vai trò trong tương lai của ông Lee Jae-yong tại tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc này. Án tù ít nhất sẽ tạm thời khiến ông không thể tham gia vào việc điều hành Samsung. Các chuyên gia cho rằng việc ông Lee Jae-yong bị kết án 2,6 năm tù có thể tạo ra khoảng trống trong vị trí lãnh đạo của Samsung và cản trở tập đoàn này đưa ra các quyết sách quan trọng liên quan tới các khoản đầu tư quy mô lớn trong tương lai.
Ông Lee Jae-yong đảm nhận vai trò lãnh đạo Tập đoàn Samsung sau khi cha của ông là Lee Kun-hee phải nhập viện vì một cơn đau tim vào năm 2014. Sau đó ông Lee Kun-hee đã qua đời vào năm ngoái, dẫn đến suy đoán rằng Samsung sẽ phải trải qua những sự kiện chấn động vì những người thừa kế của ông Lee Kun-hee có thể bị buộc phải bán tài sản hoặc thanh toán cổ tức để chi trả cho khoản thuế thừa kế khổng lồ.
Cuộc chiến thứ hai tại tòa án
Theo phán quyết của tòa, ông Lee Jae-yong đã “chủ động đưa hối lộ và ngầm yêu cầu tổng thống sử dụng quyền lực của mình để giúp việc thừa kế vị trí người đứng đầu Tập đoàn Samsung diễn ra suôn sẻ”. Phán quyết còn nêu rõ: “Thật không may khi Samsung, tập đoàn hàng đầu của đất nước và là nhà sáng tạo đáng tự hào trên toàn cầu, liên tục phạm tội mỗi khi có sự thay đổi về quyền lực chính trị”.
Tòa án nêu rõ ông Lee Jae-yong phạm tội hối lộ, tham ô và che giấu khoản hối lộ trị giá 8,6 tỷ won (7,8 triệu USD) và rằng một ủy ban giám sát tuân thủ pháp luật độc lập mà Samsung thành lập hồi đầu năm ngoái vẫn chưa đi vào hoạt động hiệu quả đầy đủ. Nhóm pháp lý của ông Lee Jae-yong bày tỏ sự thất vọng với quyết định này. Một trong số đó, luật sư Lee In-jae, phát biểu: “Bản chất của vụ việc này là sự lạm dụng quyền lực của cựu tổng thống, vi phạm các quyền tự do và quyền sở hữu của tập đoàn. Do đó, quyết định của tòa án là đáng tiếc”.
Lee Jae-yong đã từng bị giam giữ và thời gian này dự kiến sẽ được tính vào bản án, do đó ông sẽ chỉ phải thụ án thêm 18 tháng nữa.
Hồi tháng 2-2017, ông Lee Jae-yong đã bị cáo buộc hối hộ khoản tiền lên đến 29,8 tỷ won (27,4 triệu USD). Cùng năm này, nhà lãnh đạo của Samsung đã phải nhận mức án 5 năm tù vì đã chi tổng số 8,9 tỷ won để hỗ trợ việc học cưỡi ngựa của con gái bà Choi Soon-sil, một người bạn của cựu Tổng thống Park Geun và quyên góp cho một quỹ thể thao do gia đình bà này điều hành. Tuy nhiên, ông Lee Jae-yong đã được trả tự do vào năm 2018 sau khi một tòa phúc thẩm cho ông hưởng án treo 2 năm rưỡi theo số tiền hối lộ đã được sửa thành 3,6 tỷ won. Tháng 8-2019, tòa án cấp cao nhất Hàn Quốc ra phán quyết rằng ông Lee Jae-yong đã hối lộ tổng cộng lên đến 8,6 tỷ won và chuyển vụ án cho tòa phúc thẩm để xét xử lại.
Bê bối chính trị chấn động Hàn Quốc xảy ra năm 2016, trong đó bà Choi Soon-sil bị buộc tội cấu kết với Tổng thống Park Geun-hye để chiếm đoạt hàng triệu USD từ các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai và dùng mối quan hệ với tổng thống để can thiệp vào các vấn đề quốc gia. Bà Park Geun-hye trở thành tổng thống dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất và đã bị kết án 24 năm tù với tội danh tham nhũng.
Samsung sẽ ra sao sau phán quyết?
Theo hãng tin Bloomberg, bất kỳ khoảng trống nào trong vai trò lãnh đạo đều mang lại rủi ro cho Samsung – nhà sản xuất chip bộ nhớ, điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới, trong bối cảnh tập đoàn này vừa phải đương đầu với đại dịch COVID-19, vừa phải đối mặt với mối quan hệ Mỹ-Trung đầy xáo trộn và cuộc cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực sản xuất thiết bị di động và chất bán dẫn. Mặc dù công việc kinh doanh thường nhật của Samsung do một đội ngũ các nhà quản lý phụ trách nhưng sự vắng mặt của ông Lee Jae-yong có thể làm đình trệ các khoản đầu tư lớn hoặc các bước đi chiến lược dài hạn hơn của tập đoàn. Vị giám đốc điều hành này đã đóng một vai trò tích cực tại Samsung, thường xuyên tham gia các sự kiện công cộng và sự kiện có liên quan đến chính phủ. Chung Sun-sup, Giám đốc điều hành của công ty phân tích doanh nghiệp Chaebul.com có trụ sở tại Seoul, cho biết: “Samsung phải đối mặt với một con đường đầy chông gai ở phía trước khi ông Lee Jae-yong phải ngồi tù”.
Samsung đang rót 116 tỷ USD vào hoạt động kinh doanh chip thế hệ tiếp theo của mình, bao gồm cả việc sản xuất silicon cho các khách hàng bên ngoài. Samsung cũng đầu tư mạnh vào việc sản xuất thiết bị không dây thế hệ thứ 5, tìm cách tận dụng các lệnh cấm sử dụng thiết bị của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc). Đây đều là các khoản “đặt cược” rất quan trọng đối với tương lai của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này.
Shin Se-don, giáo sư kinh tế danh dự tại Đại học Sookmyung, cho rằng bản án tù đối với ông Lee Jae-yong là “quá đáng” và cảnh báo rằng động thái này có thể không có lợi cho chính phủ vì Tập đoàn Samsung đóng một vai trò rất quan trọng đối với đất nước. Giáo sư này nói với Bloomberg: “Ông Lee Jae-yong có thể quản lý tập đoàn từ trong tù, nhưng sẽ có một số trở ngại. Việc bắt giam ông Lee sẽ gây ra một cú sốc tinh thần cho người dân. Samsung là trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc và mọi người sẽ không vui vẻ gì với kết quả này”.
Sau khi xuất hiện tin tức về phán quyết của tòa án, cổ phiếu của của các tập đoàn liên quan đến Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc ngay lập tức lao dốc. Đến phiên đóng cửa ngày 18-1 tại thị trường Hàn Quốc, cổ phiếu của Samsung Electronics đã giảm 3,41% sau khi giảm hơn 4% trước đó trong phiên. Cổ phiếu của Samsung C&T cũng giảm 6,84%. Trong khi đó, Samsung SDI giảm 4,21% còn Samsung Heavy Industries giảm 2,74% và Samsung Life Insurance trượt 4,96%. Các cổ phiếu liên quan đến Samsung đã kéo chỉ số của Hàn Quốc đi xuống và Kospi Index giảm 2,33% vào cuối ngày giao dịch.