Thành công đáng kinh ngạc của Mỹ trong việc ngăn cản Huawei cho thấy sự mong manh của lĩnh vực công nghệ tập trung cao mà Bắc Kinh đang thiếu sót.
Thâm Quyến, thành phố 12 triệu dân ở tỉnh Quảng Đông, là quê hương của Huawei, công ty viễn thông Trung Quốc thống trị cơ sở hạ tầng không dây 5G toàn cầu và là trung tâm của cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung.
Vốn là một trung tâm lắp ráp điện thoại di động, thành phố Thâm Quyến sắp bắt đầu tự sản xuất điện thoại. Vào tháng 11, một tập đoàn do chính quyền thành phố đứng đầu đã thực hiện thỏa thuận bất thường, trả cho Huawei 15 tỷ USD và tiếp quản thương hiệu điện thoại thông minh giá rẻ Honor.
Huawei hiện đang chật vật chiến đấu vì sự sống còn kể từ khi được thêm vào danh sách đen của Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Việc một chính quyền thành phố gom tiền đổ vào một gã khổng lồ công nghệ toàn cầu và kết thúc với một nhà sản xuất điện thoại giá rẻ là biểu hiện rõ nhất cho những vấn đề của Trung Quốc, trong việc phát triển công nghệ của riêng họ.
Trung Quốc có tham vọng và có thể làm được nhiều thứ trên quy mô lớn. Nhưng quốc gia thiếu hệ sinh thái rộng lớn cho hợp tác thương mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư mạo hiểm thông minh để có thể hợp tác công nghệ sâu rộng.
Mỹ đã thắng
Việc chính phủ Mỹ có thể dễ dàng chặn đứng nhà sản xuất điện thoại thông minh và nhà cung cấp cơ sở hạ tầng 5G lớn nhất thế giới trong vòng chưa đầy một năm là dấu hiệu cho thấy sự mong manh của lĩnh vực công nghệ tập trung cao của Trung Quốc.
Ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản cho nhiều thành phần chính, quan trọng nhất là bộ vi xử lý. Mặc dù đã đầu tư chiến lược trong nhiều năm, nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa thể làm chủ việc sản xuất những con chip máy tính chuyên dụng cao, phổ biến này.
Chất bán dẫn làm từ silicon được sử dụng trong tất cả các loại chip máy tính, bao gồm chip bộ nhớ, chip cảm biến và nhiều loại chip vi xử lý khác. Hầu hết mọi người đều quen thuộc với các bộ vi xử lý đa năng được gọi là bộ xử lý trung tâm (CPU) cung cấp năng lượng cho hệ điều hành điện thoại thông minh và máy tính, nhưng hiệu suất thiết bị ngày càng phụ thuộc vào các bộ vi xử lý chuyên dụng hơn như bộ xử lý đồ họa (GPU) và bộ tăng tốc trí tuệ nhân tạo (AI).
Các CPU tiên tiến nhất hiện sắp ra mắt trên thị trường, chẳng hạn như Apple A14 Bionic, Qualcomm Snapdragon 888 và Samsung Exynos 1080, bao gồm GPU tích hợp và bộ tăng tốc AI ngay trên chip – và có tích hợp mạng không dây 5G.
Đối thủ nặng ký duy nhất của Trung Quốc đối với những con chip tiên tiến này từ Mỹ là HiSilicon Kirin 9000, được thiết kế bởi công ty con chuyên thiết kế chip của chính Huawei.
Trong thuật ngữ phức tạp của sản xuất chất bán dẫn, nhà sản xuất chip “khuyết” là một nhà sản xuất chip không có cơ sở chế tạo riêng, hoặc “xưởng đúc”. Cho đến năm 2020, chip HiSilicon của Huawei thực sự được sản xuất bởi Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, nhưng việc thắt chặt các lệnh trừng phạt của Mỹ đã chấm dứt điều đó.
Việc kiểm soát xuất khẩu rộng hơn của Mỹ đối với phần mềm thiết kế chip và máy công cụ đúc nghĩa là Huawei hiện có rất ít cơ hội phát triển khả năng chế tạo tiên tiến của riêng mình. Kết quả là Kirin 9000 bị khai tử.
Trung Quốc khó lòng bắt kịp
Xưởng đúc chip tiên tiến nhất của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), có trụ sở tại Thượng Hải. Giống như Huawei, SMIC nằm trong cả danh sách theo dõi của Bộ Thương mại và Quốc phòng Mỹ, hạn chế nghiêm trọng quyền truy cập của họ vào công nghệ và tài chính của Mỹ.
Nếu không có sự trợ giúp từ nước ngoài, SMIC sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể sản xuất một con chip như Kirin 9000. Giống như tất cả các CPU hàng đầu hiện nay, Kirin 9000 được thiết kế trên các tấm bán dẫn silicon 5 nanomet.
Khi nói đến chất bán dẫn, mỏng hơn sẽ tốt hơn và sản phẩm tốt nhất mà SMIC hiện có là 14 nanomet. Dù đã công bố kế hoạch sản xuất chip 7 nanomet, SMIC vẫn thiếu công cụ máy móc để tạo ra chúng.
Nếu Trung Quốc tụt hậu với các đối thủ cạnh tranh quốc tế của mình về bộ vi xử lý, thì đó không phải là vì Bắc Kinh không muốn nghiên cứu hoặc chi tiêu. Trung Quốc đã thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch tích hợp quốc gia trị giá 22 tỷ USD vào năm 2014, trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào chip nhập khẩu, nhưng không có kết quả.
Hiện nay, chỉ 16% chất bán dẫn của Trung Quốc được sản xuất trong nước và những chất bán dẫn này có xu hướng kém tinh vi nhất trong mọi chủng loại. Năm 2019, Trung Quốc đã công bố một quỹ lớn thứ hai để đầu tư thêm 29 tỷ USD vào phát triển chất bán dẫn. Giữa lúc đối mặt với các lệnh trừng phạt mạnh tay của Mỹ, hiện chưa rõ Trung Quốc có thể thành công trong lần thứ hai này hay không.
Duy có một điều chắc chắn, ngay cả trước khi nhiều công ty hàng đầu của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát tài chính và xuất khẩu từ Mỹ, Trung Quốc không thể thiết lập sự hiện diện cạnh tranh trên thị trường cho các chip nhớ tương đối đơn giản – đừng nói đến đến các bộ vi xử lý phức tạp.
Khi độ tiên tiến của thiết kế chip thậm chí còn đi xa hơn trên con đường tích hợp đa năng, với CPU, GPU, bộ tăng tốc AI và modem không dây đều được in trên một tấm wafer rộng vài phân tử, Trung Quốc sẽ càng khó bắt kịp các đối thủ.
(Theo Foreign Policy / Báo Phụ Nữ)