Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI), đến cuối năm 2019 có 25.054 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, chỉ có 9.400 doanh nghiệp báo lãi.
Samsung lãi nhiều nhất
Bộ Tài chính cho biết, trong tổng số hơn 25.000DN FDI, chỉ có 22.603 DN có dữ liệu báo cáo tài chính đầy đủ để phân tích. Theo đó, doanh thu năm 2019 của các DN FDI đạt hơn 7,1 triệu tỉ đồng, tăng hơn 720.000 tỉ so với năm kế trước. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của DN FDI đạt khoảng 387.000 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 324.400 tỉ đồng.
Trong năm 2019, có 9.494 DN báo lãi, chiếm tỉ lệ 45% số DN có báo cáo. Giá trị lãi của các DN FDI được ghi nhận khoảng 518.500 tỉ đồng, tăng 18% so với năm trước. Nhóm ngành đầu tư FDI có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh là sản xuất, phân phối, kinh doanh điện tăng 96%, dịch vụ khác tăng xấp xỉ 212%.
Tại Việt Nam, 6 địa phương hiện đang thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước là TP.HCM, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó, dẫn đầu là TP.HCM với giá trị tài sản các DN FDI đầu tư ước đạt hơn 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm 23,6% vốn đầu tư FDI của cả nước.
Xét theo vùng lãnh thổ, nhóm DN FDI đến từ châu Âu có khả năng sinh lời cao nhất; nhóm doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, British VirginIsland có mức sinh lời hợp lý. Hai quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong tốp 10 nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam là Hồng Kông, Trung Quốc có khả năng sinh lời thấp.
Theo Bộ Tài chính, Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh) và Cty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên), trực thuộc Tập đoàn Samsung là 2 DN lớn nhất trong 967 DN thuộc nhóm ngành sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị quang học, đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Trong năm 2019, doanh thu của SEV Bắc Ninh, SEV Thái Nguyên chiếm 48% tổng doanh thu của nhóm ngành trên, tổng lợi nhuận trước thuế của 2 DN này lên tới 85.918 tỉ đồng, tương đương gần 4 tỉ USD.
Formosa Hà Tĩnh lỗ nặng
Về số lượng DN báo lỗ trong năm 2019, theo tổng hợp của Bộ Tài chính, cả nước có 12.455 DN lỗ, chiếm tỷ lệ 55% DN có báo cáo, với trị giá lỗ là 131.445 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu của 55% DN FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846.800 tỉ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm nước. Như vậy, doanh thu của các doanh nghiệp FDI báo lỗ đang tiếp tục tăng lên.
Theo Bộ Tài chính, tổng tài sản của Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) hiện nay khoảng 286.800 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 100.800 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm 2019 khoảng 25.380 tỉ đồng.
Trong năm 2019, doanh thu sản xuất kinh doanh, doanh thu từ hoạt động tài chính của Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 72.000 tỉ đồng, số lỗ trong năm hơn 11.500 tỉ đồng, số lỗ này gấp 4,2 lần cùng kỳ năm 2018. Số tiền nộp ngân sách năm 2019 của Formosa Hà Tĩnh là 51,6 tỉ đồng.
Thống kê của Bộ Tài chính cũng cho thấy, các nhóm ngành hai năm liền có số DN FDI lỗ trước và sau thuế tăng là sản xuất sắt, thép và kim loại khác; dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; viễn thông, phần mềm.
Về DN FDI lỗ lũy kế nhiều năm trên báo cáo tài chính, Bộ Tài chính cho biết đến hết năm 2019 có 14.822 DN FDI có lỗ lũy kế, chiếm 66% DN báo cáo. Tổng giá trị lỗ lũy kế của các DN FDI trên báo cáo tài chính khoảng 520.700 tỉ đồng. Ngoài ra, số DN FDI lỗ mất vốn trong năm 2019 là 3.545 DN, tăng 24,2% cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, bên cạnh những tác động tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo Bộ Tài chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trước hết, có thể thấy, đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng, rất hạn chế ở các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên. Điều này cho thấy chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Chính phru vào địa bàn đặc biệt khó khăn và khó khăn chưa phát huy hiệu quả trong thu hút các dự án FDI.
“Hiệu quả sử dụng tài sản, vốn đầu tư tại các DN FDI vẫn còn thấp, chưa phát huy hết tiềm lực của DN. Các chỉ tiêu khả năng sinh lời của một số lĩnh vực vẫn còn âm, nộp NSNN vẫn chưa tương xứng với những ưu đãi được hưởng. Số DN FDI có lãi chiếm tỉ lệ ít, mới đạt 45% DN; nhiều DN có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm”, Bộ Tài chính chỉ rõ.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, vẫn còn diễn ra hiện tượng chuyển giá, trốn thuế ở một số DN FDI. Có DN luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng gây thất thoát, thiện hại cho NSNN. Đối với 2 DN lớn trong nhóm ngành “Sản xuất sắt thép và kim loại khác”, Bộ Tài chính cho rằng Formosa Hà Tĩnh và Posco Yamoto Vina tổng doanh thu vẫn tăng nhưng nộp NSNN lại giảm từ 101 tỷ đồng xuống còn 92,6 tỷ đồng. “Đóng góp cho NSNN chưa tương xứng với những ưu đãi (đất đai, thuế,..) dành cho những DN lớn này”, Bộ Tài chính nhận định.
Để thu hút các dự án FDI hoạt động hiệu quả cao, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng chính sách ưu đãi theo quy mô, theo địa bàn. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế phối hợp các sở, ban, ngành địa phương trong việc cấp phép và quản lý; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, đồng bộ, thông suốt; thanh kiểm tra chống chuyển giá; quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…