Bởi công nghệ bán dẫn là linh hồn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên chuyên gia cho rằng, Việt Nam đầu tư mảng bán dẫn là vô cùng cần thiết.
Tại buổi tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung ngày 20/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn thời gian tới, Samsung sẽ đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn, góp phần khép kín “chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử” của Tập đoàn tại Việt Nam.
Được biết, 3 thế mạnh của Tập đoàn Samsung là thiết bị di động, sản phẩm bán dẫn và điện tử gia dụng. Trong đó hai mảng thiết bị di động, điện tử gia dụng, màn hình hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ đối với việc đầu tư, phát triển mảng bán dẫn ở Việt Nam bởi tất cả thiết bị di động, điện tử dân dụng đều dựa trên công nghệ vi mạch bán dẫn, đó là nền móng cho tất cả các kỹ thuật điện tử và là linh hồn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, nhiều năm qua, Việt Nam vẫn chủ yếu lắp ráp, gia công đơn giản nhiều mặt hàng, muốn làm được những sản phẩm cao hơn nữa thì phải làm chủ được công nghệ vi mạch bán dẫn – những vi mạch có cấu trúc dạng nano vô cùng tinh tế.
Với Samsung, từ trước đến nay tập đoàn này chỉ lắp ráp các sản phẩm thiết bị di động, điện tử dân dụng tại Việt Nam. Nếu họ nghiên cứu đầu tư, triển khai nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn tại Việt Nam thì trên cơ sở hợp tác, chuyển giao công nghệ, Việt Nam có thể tạo nhiều sản phẩm bán dẫn chất lượng cao.
Vị nguyên Trưởng khoa Điện của Đại học Bách khoa cũng cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho công nghệ bán dẫn, mà đi đầu là các tập đoàn, tổng công ty viễn thông, chẳng hạn như Viettel, bởi có đầu tư cho công nghệ bán dẫn thì mới có thể làm chủ được công nghệ 3G, 4G, 5G.
Với nhà đầu tư mảng bán dẫn đến từ Hàn Quốc, trước khi Samsung được đề nghị đầu tư, đã có Seoul Semiconductor – một trong những công ty hàng đầu của Hàn Quốc và thế giới trong lĩnh vực bán dẫn công nghệ LED, phục vụ cho các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, chiếu sáng, điện tử – viễn thông mở nhà máy sản xuất các sản phẩm bán dẫn tại Hà Nam.
Còn Samsung, điểm thuận lợi cho tập đoàn này nếu đầu tư mảng bán dẫn tại Việt Nam là họ đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội phục vụ cho các nghiên cứu trong lĩnh vực di động và hệ thống mạng.
Với xu thế toàn cầu hóa, theo PGS.TS Lê Văn Doanh, các sản phẩm vi mạch bán dẫn trên thế giới có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ngay cả Samsung, có những mảng công nghệ vi mạch chất lượng cao vẫn phải nhờ đến Nhật Bản, tập đoàn Huawei (Trung Quốc) chuyên về thiết bị mạng và viễn thông cũng phải sử dụng các vi mạch cao cấp của Mỹ, trong khi nhiều quốc gia phát triển nếu không có Huawei thì còn lâu mới triển khai được công nghệ 5G…
Bởi vậy, đầu tư và phát triển công nghệ bán dẫn, Việt Nam không hy vọng có được những sản phẩm được sản xuất 100% bởi người Việt Nam, và chắc chắn Việt Nam phải nhập khẩu nhiều linh kiện của nước ngoài song PGS.TS Lê Văn Doanh lưu ý, quan trọng là Việt Nam tích hợp chúng thành các thiết bị và làm chủ được công nghệ.
“Tôi đã tham quan nhà máy sản xuất các sản phẩm bán dẫn của Công ty Seoul Semiconductor ở Hà Nam, dây chuyền công nghệ của họ vô cùng hiện đại, tất cả các sản phẩm sản xuất bằng công nghệ vi điện tử dưới dạng nano, mà nếu Việt Nam đầu tư từ đầu sẽ lỗ vì chi phí rất lớn. Chúng ta tiết kiệm chi phí bằng cách nhận chuyển giao công nghệ để từ đó chủ động trong việc sản xuất các sản phẩm bán dẫn”, ông nói và dẫn ngành công nghiệp ô tô làm ví dụ.
Theo đó, các doanh nghiệp ô tô FDI vào Việt Nam chỉ để lắp ráp, tận dụng lao động giá rẻ và những chính sách ưu đãi của Việt Nam mà thiếu sự lan tỏa tới doanh nghiệp nội địa. Riêng công nghiệp hỗ trợ ô tô, các sản phẩm mà phía Việt Nam làm được vẫn chỉ mang hàm lượng công nghệ thấp như săm, lốp, gương, kính…
Cho nên, khi một tập đoàn lớn của Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất ô tô cả tỷ USD, họ vẫn tiếp nhận và tận dụng những công nghệ mà các tập đoàn nước ngoài đi trước đã làm tốt và có chi phí rẻ hơn.
PGS.TS Lê Văn Doanh chỉ ra rằng, trong tất cả các sản phẩm điện tử dân dụng trong gia đình, từ máy tính đến điện thoại thông minh, nồi cơm điện, TV… đều có con chip điều khiển, mọi thứ đều tự động hóa cao, thông minh và chắc chắn hơn. Nếu Việt Nam làm được một số khâu, kể cả đó là những khâu có mức độ phức tạp ít hơn thì trước hết có thể giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động, đồng thời khiến các nước không thể bán hàng cho chúng ta với giá quá cao.
“Ví dụ, trong công nghệ điện, máy biến áp 500kV có công nghệ rất cao, trước đây các công ty nước ngoài bán một máy như vậy cỡ 10 triệu USD, nhưng Việt Nam cũng nghiên cứu, bắt chước và làm được, lập tức các công ty nước ngoài phải giảm giá một nửa ngay.
Do vậy, nếu Việt Nam có năng lực tự sản xuất được một số sản phẩm bán dẫn ở một quy mô và mức độ nhất định thì nước ngoài không thể ép giá, có thể những sản phẩm ấy không bằng nước ngoài nhưng quan trọng là chúng ta có một số sản phẩm công nghệ cao do chính mình làm ra và có thể sử dụng được”, vị chuyên gia chỉ rõ.
Để chuẩn bị cho việc phát triển công nghệ bán dẫn, theo PGS.TS Lê Văn Doanh, phải chuẩn bị rất nhiều khâu và trên hết là tùy thuộc vào độ mở của nền kinh tế Việt Nam và tiếp đó là cần hỗ trợ để có được các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học phải vào cuộc một cách say sưa mới có thể thành công.
Trở lại với lời đề nghị Samsung đầu tư mảng bán dẫn ở Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng tập đoàn đương nhiên sẽ cân nhắc thiệt hơn và cái lợi sẽ là nhiều hơn: Việt Nam là quốc gia 100 triệu dân, vẫn còn ở trình độ thấp, lao động giá rẻ, tình hình chính trị-xã hội ổn định… Quan trọng là Samsung có được sự ủng hộ của Nhà nước Việt Nam và ở Việt Nam, họ không phải cạnh tranh khốc liệt so với đầu tư ở quốc gia khác trong khu vực.
“Cho nên, đây sẽ là cuộc đầu tư có lợi cho cả hai bên”, PGS.TS Lê Văn Doanh kết luận.