Theo Nikkei, Huawei đã thông báo giảm 60% đơn hàng linh kiện smartphone cho các nhà cung ứng năm 2021 do ảnh hưởng của lệnh cấm vận Mỹ.
Theo nguồn tin từ nhiều nhà cung ứng, Huawei thông báo kế hoạch đặt đủ linh kiện cho 70 đến 80 triệu smartphone năm nay. Nó giảm hơn 60% so với sản lượng 189 triệu smartphone năm 2020 của Huawei.
Bên cạnh đó, đơn hàng giới hạn trong model 4G do Mỹ không cho phép Huawei nhập khẩu linh kiện cho model 5G. Một số nhà cung ứng còn cho rằng sản lượng có thể giảm xuống còn gần 50 triệu máy.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc năm ngoái rơi xuống hạng 3 trên thị trường smartphone toàn cầu, sau Samsung và Apple, theo IDC. Huawei có khả năng còn tụt sâu hơn trong năm 2021 do lệnh cấm của Mỹ.
Tháng 11/2020, Huawei bán thương hiệu bình dân Honor cho liên minh hơn 30 công ty Trung Quốc nhằm cứu Honor khỏi các biện pháp trừng phạt và được tiếp cận nguồn cung linh kiện quan trọng. Cách này đã phát huy tác dụng khi Honor thông báo ký hợp tác với các nhà cung ứng lớn như AMD, Intel, MediaTek, Micron Technology, Microsoft, Qualcomm, Samsung, SK Hynix và Sony. Hãng ra mắt smartphone V40 5G tại Trung Quốc hồi tháng trước.
Dù một số nhà cung ứng của Huawei đã xin được giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ để bán linh kiện, công ty vẫn chưa thể mua được linh kiện lõi trong các model 5G. Có tin đồn Huawei phải bán dòng smartphone cao cấp P và Mate. Tuy nhiên, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi khẳng định không bao giờ đi theo con đường này. Song, theo Nikkei, một lãnh đạo của một nhà cung ứng cho biết Huawei không thể mua đủ linh kiện cần thiết.
Tình trạng khan hiếm linh kiện và bán dẫn trên toàn thế giới cũng gây thêm sức ép lên mảng smartphone của Huawei. Người ta hi vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể áp dụng lập trường mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Donald Trump. Dù vậy, dường như chính quyền mới vẫn duy trì lập trường cứng rắncủa Trump.
Đầu tháng này, Gina Raimondo, ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nói hiện tại bà không thấy lý do gì để xóa bỏ các công ty có tên trong danh sách đen của Bộ do hầu hết đều bị đưa vào vì liên quan tới an ninh quốc gia hoặc chính sách ngoại giao.
Du Lam (Theo Nikkei)