Theo kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tới, Việt Nam sẽ thúc đẩy vai trò ngày càng tăng như một trung tâm sản xuất quan trọng cho các công ty khổng lồ như Samsung Electronics và Intel Corp.
Hãng tin Reuters ngày 2/2 đăng bài bình luận về mục tiêu “trở thành một quốc gia phát triển toàn diện vào năm 2045” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra tại Đại hội XIII vừa qua, trong đó phân tích các yếu tố có thể giúp Việt Nam trở thành trung tâm khoa học–công nghệ.
Theo Reuters, với việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam ngày càng thu hút các công ty nước ngoài. Với hơn 10 FTA được ký kết, Việt Nam hy vọng sẽ mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tới, Việt Nam sẽ thúc đẩy vai trò ngày càng tăng như một trung tâm sản xuất quan trọng cho các công ty khổng lồ như Samsung Electronics và Intel Corp. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đặt mục tiêu đưa đất nước từ một điểm đến lao động giá rẻ thành một trung tâm khoa học và công nghệ.
Reuters nhận định mức tăng trưởng 2,91% của Việt Nam năm 2020 được nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ. Bất chấp đại dịch, tháng 1 vừa qua, một đơn vị thuộc Foxconn Technology Co Ltd của Đài Loan (Trung Quốc), nhà cung cấp chính của công ty Apple (Mỹ), đã có được giấy phép đầu tư 270 triệu USD vào Việt Nam. Nhà sản xuất chip Intel của Mỹ cho biết họ đã tăng đầu tư vào Việt Nam thêm 475 triệu USD, lên 1,5 tỷ USD.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tới, Việt Nam sẽ “tập trung các biện pháp để hoàn thiện cơ bản các yếu tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường và xã hội.” Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ chuyển trọng tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ số lượng sang chất lượng và hạn chế tác động đến môi trường./.