Ngay sau khi thế hệ iPhone 12, được ra mắt, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh 2 tính năng đáng chú ý nhất đã xuất hiện tại Việt Nam.
“iPhone 12 giống như phiên bản trưởng thành của chiếc iPhone 5 cũ vậy”.
Đó là lời nhận xét của anh Trung Hiếu, một người dùng đam mê công nghệ chia sẻ. Anh Hiếu tin rằng thế hệ điện thoại iPhone 12 của Apple có thể gặt hái thành công tại thị trường quốc tế, tuy nhiên chưa chắc đã được người dùng Việt Nam đón nhận.
“Có quá nhiều yếu tố làm tôi thất vọng khi Apple ra mắt iPhone mới. Không chỉ liên quan đến vấn đề cắt bỏ một số phụ kiện đi kèm của máy, việc sở hữu một chiếc smartphone với công nghệ 5G có phần hơi thừa thãi trong điều kiện tại Việt Nam”, anh Hiếu cho biết.
Rạng sáng 14/10, Apple chính thức trình làng 4 mẫu iPhone 12 mới cùng loa thông minh HomePod mini. Trước thềm sự kiện, từ khóa “iPhone 12” tại Việt Nam đã vươn lên đứng đầu trong bảng xếp hạng Google Trends, với hơn 50.000 lượt tìm kiếm.
Không những thế, trên các mạng xã hội như Facebook hay Twitter, các bài viết liên quan đến dòng sản phẩm mới của Apple luôn thu hút được lượng lớn lượt tương tác. Tuy nhiên, chỉ cần lướt qua một số bình luận, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự kiện ra mắt của Apple đang gây tranh cãi như thế nào.
Người dùng bức xúc vì Apple “hút máu”
Dựa trên tham vọng nói không với khí thải carbon vào năm 2030, Apple tuyên bố công ty sẽ không tích hợp tai nghe, củ sạc đi kèm mẫu iPhone mới. Ngoài iPhone 12, mẫu iPhone XR, iPhone 11 và iPhone SE 2020 cũng sẽ đối mặt với số phận tương tự trong tương lai.
Theo ước tính của công ty, việc cắt bỏ phụ kiện có thể giảm khoảng 2 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm, con số này tương đương với 450.000 chiếc ôtô lưu thông trên đường. Đặc biệt, việc lược giản phụ kiện sẽ giúp hộp đựng máy nhỏ gọn hơn, giúp công ty tối đa hiệu quả đến 70% quy trình logistics.
“Không tặng kèm thì họ vẫn phải mua để dùng. Lý do của Apple là hợp lý. Nhưng điều bất hợp lý là chẳng ai mua điện thoại mà không cần đến phụ kiện cả. Như vậy thì có liên quan gì đến việc giảm thiểu khí thải?”, độc giả Martin Công thắc mắc với Zing.
Không riêng mình anh Công, một con số không nhỏ người dùng Facebook cũng bày tỏ sự tán thành quan điểm này trên mạng xã hội. Thậm chí nhiều người dùng còn châm chọc quyết định của Apple.
“Sau này điện thoại không có loa, bán loa”, tài khoản Thiên Nhân bình luận. Hay theo tài khoản Bắc Nguyễn, “Công ty đưa ra vấn đề, công ty cũng bán luôn giải pháp”.
Có thể nói, việc cắt giảm phụ kiện của Apple đang tạo ra tâm lý tiêu cực đến một bộ phận khách hàng tại Việt Nam. Phần đông thắc mắc về quyết định được cho là “khó hiểu” của công ty, cùng với đó là nỗi sợ bị Apple “moi tiền” thông qua lý do bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người ủng hộ quyết định của Apple. Họ cho rằng nếu bạn đã từng sử dụng sản phẩm của Apple, sẽ rất lãng phí khi vứt bỏ các phụ kiện cũ để dùng cái mới.
“Apple nhắm đến người đã sở hữu các sản phẩm khác (của Apple), nếu họ đã có củ sạc sẵn rồi thì dùng lại, không cần mua. Như tôi có 1 củ sạc cắm hết iPad rồi đến iPhone”, tài khoản Trung Thu bình luận trên Zing.
5G vẫn còn là tính năng lạ lẫm với người Việt Nam
Sự xuất hiện của iPhone 12 đang tạo nên làn sóng trái chiều người hâm mộ nói riêng và giới công nghệ nói chung. Ngoài các chức năng cao cấp của sản phẩm như con chip A14 Bionic mạnh mẽ, cảm biến LiDAR trên dòng Pro và Pro Max, công nghệ 5G cũng là một chi tiết được người dùng quan tâm.
Theo Telegraph, 5G được coi là điểm nhấn của sự kiện ra mắt iPhone 12. Ngoài Apple, nhiều nhà mạng lớn trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất thiết bị và triển khai hạ tầng 5G. Ngay cả đất nước phát triển như Mỹ, Anh, công nghệ 5G cũng đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phổ biến dù đã thử nghiệm và triển khai từ năm 2019.
Không ít người dùng cho rằng, công nghệ 5G vẫn còn là một thứ gì đó khá xa xỉ tại Việt Nam. Xét trên lý thuyết, mạng di động thế hệ thứ 5 cho tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn gấp 100 lần mạng 4G. Nhưng trên chính quê hương của Apple, Mỹ, quốc gia này vẫn còn gặp nhiều hạn chế trong công nghệ di động này.
“Tốc độ mạng 5G ở Mỹ vẫn chưa thực sự ấn tượng, nhiều người sẽ bị thất vọng khi không thấy được sự vượt trội về tốc độ khi dùng những mẫu iPhone mới”, ông Bob O’Donnell, Chủ tịch kiêm nhà phân tích chính của công ty TECHnalysis Research cho biết.
Lý do này đang khiến một số khách hàng tại Việt Nam đắn đo, suy nghĩ khi phải bỏ ra số tiền không nhỏ để mua một sản phẩm sở hữu công nghệ chưa được phổ biến trong nước.
“Giá như Apple chia thành 2 phiên bản là quốc tế và khu vực. Nếu được bỏ công nghệ 5G đi, tôi chắc chắn sẽ chọn màn hình 120 Hz để thay thế”, anh Trung Hiếu chia sẻ.
Trái với quan điểm đó, nhiều người dùng vẫn lạc quan hy vọng sự có mặt của iPhone 12 sẽ thúc đẩy quá trình phát triển công nghệ 5G tại Việt Nam trong tương lai.