Thói quen mua smartphone trực tuyến vốn không được ưa chuộng trước đây được người Mỹ thực hiện nhiều hơn trong quý 2.
Dịch Covid-19 gây thiệt hại về kinh tế, số người chết vì mắc bệnh cũng tăng dần ở Mỹ. Dịch bệnh còn làm thay đổi một số thói quen của người tiêu dùng xứ cờ hoa về mặt hàng công nghệ cũng như smartphone. Theo thống kê do NPD công bố ngày 12/11, doanh số bán trực tuyến điện thoại thông minh quý 2/2020 tăng 13% so với quý trước đó. Ngoài ra, người Mỹ vẫn duy trì cách thức mua smartphone thông qua việc gọi điện đến đơn vị cung cấp để đặt và mua máy. Tỷ lệ sắm dế bằng việc gọi điện tăng 12% trong quý 2/2020 so với quý trước.
Tờ Phone Arena phân tích: “Không có gì ngạc nhiên khi doanh số smartphone tại các cửa hàng bán lẻ giảm hai con số trong quý 2 năm nay. Cũng cần lưu ý rằng một số hệ thống bán lẻ điện thoại lớn đóng hàng loạt cửa hàng hồi tháng ba như trường hợp của nhà mạng lớn nhất nước là Verizon”.
Tại Mỹ, các công ty viễn thông là kênh phân phối smartphone quan trọng trên thị trường. Không giống như các khu vực khác, người Mỹ chủ yếu mua điện thoại tại các cửa hàng và sử dụng kèm gói cước trả sau. Thói quen này khiến doanh số sụt giảm nghiêm trọng bởi hầu hết hệ thống bán lẻ điện thoại, nhà mạng đều đóng cửa từ giữa tháng ba.
Mỹ là thị trường smartphone có doanh số cao top ba thế giới. Tổng số smartphone bán ra tại đất nước cờ hoa giảm 25% trong quý 2, trong đó Apple, LG, ZTE hay OnePlus là những công ty ảnh hưởng nặng nhất. Báo cáo của Counterpoint Research cho thấy Samsung là công ty ít bị ảnh hưởng nhất với mức giảm 10%, tiếp đến là Alcatel với 11%. Hai hãng lớn khác là Apple và LG có mức giảm lần lượt là 23% và 35%. ZTE là công ty bị ảnh hưởng nặng nhất khi mức giảm là 68%. Hai công ty Trung Quốc còn lại đều có mức giảm trên 60% là Motorola (thuộc sở hữu của Lenovo) với 62% và OnePlus với 60%.
Sau khi các lệnh giới nghiêm được nới lỏng, thị trường smartphone tại Mỹ dần hồi phục từ tháng 5 đến tháng 6. Trong đó, tháng 6 thậm chí còn có doanh số cao hơn cùng kỳ năm ngoái được cho là bởi nhu cầu dồn nén của người dùng.
Dữ liệu của NPD cho thấy trong quý 2, 69% doanh số bán mặt hàng công nghệ được thực hiện qua thương mại điện tử, tăng mạnh so với con số 48% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, có những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng quay trở lại các cửa hàng bán lẻ để mua sắm khi các hạn chế cách ly được dỡ bỏ và nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại. Dù vậy, thương mại điện tử được dự báo là xu hướng của ngành công nghiệp bán lẻ. Theo thống kê, ngoài doanh số bán hàng bùng nổ, các trang thương mại điện tử cũng tiếp nhận hơn 20% khách hàng lần đầu mua sắm trực tuyến trong đợt dịch. Điều này cho thấy không ít người tiêu dùng thay đổi cách thức mua hàng mới để thích nghi với thời cuộc.
BẢO NHI