Gia thế của bà Hong chẳng kém gì nhà chồng khi bố của bà là Bộ trưởng tư pháp thứ 9 và Bộ trưởng nội vụ thứ 21 của Hàn Quốc.
Sự ra đi của cố chủ tịch Samsung Lee Kun Hee khiến nhiều người phải thương tiếc, thế nhưng người đau lòng nhất có lẽ là vợ của ông, tỷ phú Hong Ra Hee, đồng thời cũng là nữ doanh nhân giàu nhất Hàn Quốc với tổng tài sản ròng lên tới 1,7 tỷ USD.
Cố chủ tịch Lee khi còn sống đã từng có câu nói bất hủ rằng: “Mọi thứ đều có thể thay đổi ngoại trừ vợ và con của bạn“, qua đó cho thấy tầm quan trọng của bà Hong trong gia đình cũng như tập đoàn Samsung.
Vợ chồng chủ tịch Lee Kun Hee có 4 người con. Người con cả là Lee Jae Yong đang lãnh đạo tập đoàn Samsung, trong khi 2 người con khác đều tham gia quản lý những mảng quan trọng trong công ty. Người con út đã mất vào năm 2005.
Mặc dù khá kín tiếng khi sống lặng lẽ hỗ trợ chồng con xây dựng sự nghiệp, thế nhưng hầu như ai cũng hiểu rằng bà Hong là nữ tỷ phú quyền lực với gia thế khủng, có tiếng nói nhất định trong gia đình.
Môn đăng hộ đối
Trái với nhiều cuộc hôn nhân đình đám của những ‘”cô nàng lọ lem” bước vào các gia tộc lớn tại Hàn Quốc, cuộc hôn nhân của bà Hong với cố chủ tịch Lee hoàn toàn môn đăng hộ đối. Gia thế của bà Hong chẳng kém gì nhà chồng khi bố của bà là Bộ trưởng tư pháp thứ 9 và Bộ trưởng nội vụ thứ 21 của Hàn Quốc.
Sau này khi nghỉ hưu, bố của bà Hong là ông Hong Jin Ki trở thành chủ tịch tờ JoongAng Ilbo nổi tiếng Hàn Quốc. Trên thực tế tờ báo này được chính cố chủ tịch Lee Buyng Chul (nhà sáng lập Samsung và là bố của ông Lee Kun Hee) thành lập năm 1965 nhưng sau này chúng tách ra hoạt động độc lập. Có thể nói mối quan hệ giữa 2 gia đình được gắn kết chặt chẽ nhờ cuộc hôn nhân chính trị của bà Hong.
Ngoài người cha quyền lực, tỷ phú Hong còn có 5 người em trai quyền lực gồm Chủ tịch kế thừa JooongAng Ilbo từ người cha Hong Seok Hyun, Chủ tịch chuỗi bán lẻ BFG Hong Suk Jo, Chủ tịch Bokwang Investment Hong Seok Joon, Giám đốc điều hành Tập đoàn Bokwang Hong Seok Kyu và Phó giám đốc cấp cao Leeum Hong Ra Young.
Với nền tảng trâm anh thế phiệt, bà Hong ngay từ nhỏ đã được gia đình đầu tư giáo dục. Tốt nghiệp đại học quốc gia Seoul, bà Hong nhanh chóng trở thành quản lý phòng biên tập cho cha mình tại JoongAnh Ilbo.
Năm 1965, ông Hong Jin Ki tình cờ biết ông Lee Byung Chul, có ý định đi tham quan một loạt các buổi triển lãm nghệ thuật, đã đề xuất để con gái Hong Ra Hee song hành, đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn và diễn thuyết. Ban đầu, Hong Ra Hee không đồng ý nhưng cuối cùng cũng thuận theo ý bố. Sau khi trở về, ông Lee Byung Chul vô cùng ấn tượng với cô con dâu tương lai và quyết định giới thiệu bọn trẻ với nhau.
Vào tháng 8/1966, Hong Ra Hee thay mặt mẹ sang Nhật đi công tác. Ông Lee Kun Hee khi đó vẫn còn là sinh viên trường Đại học George Washington ở Mỹ cũng được bố gọi sang Nhật. Thế là cặp đôi có cơ hội gặp nhau lần đầu tiên ở khách sạn Okura ở thành phố Tokyo. Ngay từ lần gặp đầu tiên, cả hai đã nảy sinh cảm mến dành cho người còn lại. Mối quan hệ của họ càng thêm khăng khít sau nhiều buổi hẹn hò và tiến tới hôn nhân 9 tháng sau đó.
Kết hôn được 2 năm, bà Hong Ra Hee hạ sinh con trai đầu lòng, nay là “thái tử Samsung” Lee Jae Yong, và lần lượt là 3 cô con gái. Khi ông Lee Kun Hee thay bố đảm nhận vai trò đứng đầu Samsung, toàn bộ gánh nặng thay đổi và phát triển tập đoàn này đè nặng lên vai ông. Bà Hong Ra Hee không tham gia vào việc kinh doanh và chọn trở thành hậu phương vững chắc giúp chồng con từng bước gây dựng tên tuổi Samsung.
Hậu phương vững chắc
Dù lui về chăm sóc cho gia đình nhưng quyền lực và tài sản của bà Hong không hề suy giảm. Với sự lớn mạnh của Samsung, tỷ phú Hong cũng giàu lên khi phần lớn tài sản trong số 1,7 tỷ USD của bà đến từ cổ phiếu công ty này.
Tuy nhiên điều khiến nhiều người hâm mộ là dù nắm khá lớn cổ phiếu của Samsung Eclectronics nhưng bà Hong lại ít khi can thiệp việc điều hành công ty. Thay vào đó tỷ phú này tích cực tham gia hoạt động nghệ thuật và làm từ thiện nhiều hơn.
Vốn tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật nên bà Hong từng làm giám đốc bảo tàng nghệ thuật tại thành phố Yongin do chính bố chồng Lee Buyng Chul sáng lập vào năm 1978. Sau đó chính bà cũng thành lập nên bảo tàng Leerum vào năm 2004, nằm ở khu dân cư đắt đỏ Yongsan-gu với khoảng 15.000 tác phẩm.
Theo nhiều cuộc khảo sát, bà Hong không chỉ là người chi tiền hào phóng cho các tác phẩm nghệ thuật mà còn là người thực sự am hiểu cũng như có quan điểm sâu sắc trong mảng này.
Tuy nhiên vào năm 2008, bà Hong đã từ chức giám đốc bảo tàng Leerum do vụ bê bối trốn thuế của Samsung. Các công tố viên khi đó đã cáo buộc chồng bà, cố chủ tịch Lee Kun Hee đã bỏ ra 64,5 triệu USD mua các tác phẩm của vợ nhằm trốn thuế.
Năm 2016, cố chủ tịch Lee tiếp tục dính vào bê bối mua dâm, nhưng đáp lại tỷ phú Hong chỉ im lặng như một cách để giúp đỡ gia đình vượt cơn khó khăn. Năm 2017, người con trai cả Lee Jae Yong bị bắt còn người chồng ốm liệt giường nhưng bà Hong vẫn kiên cường làm hậu thuẫn cho cả gia đình.
Cho đến hiện tại, khi người chồng qua đời còn người con vẫn chưa thoát được các phiên xét xử, bà Hong ngày càng chứng minh vai trò của bản thân khi làm chỗ dựa vững chắc cho các người con và cả gia tộc vượt qua cơn sóng gió.