‘Huawei rồi cũng sẽ có mùa đông, chuẩn bị sẵn áo ấm tốt hơn là không chuẩn bị gì’, ông Nhậm Chính Phi nói từ những ngày đầu khởi nghiệp nhiều gian nan.
“Tôi không biết định nghĩa thành công là gì, nhưng tôi biết thế nào là thất bại. Đó là bỏ cuộc”, đây là triết lý của một doanh nhân đã kiến tạo nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Ông cũng như Nhậm Chính Phi và nhiều doanh nhân tại đại lục có cùng khát khao đưa thương nghiệp Trung Quốc vươn tầm thế giới, đồng thời chấp nhận rằng, hành trình ấy nhất định gặp nhiều khó khăn. Thế hệ doanh nhân sáng lập ấy gọi đây là “mùa đông” của doanh nghiệp mà nỗ lực quan trọng nhất của họ là tồn tại và hồi sinh.
Sống an lo nguy
“Chỉ có bạn mới cứu được con tàu này”. Dòng chữ đề dưới hình ảnh một chiếc tàu sắp va vào tảng băng trôi, được một tập đoàn vẽ trên các bức tường khắp văn phòng và lối đi đã gây ấn tượng mạnh với Nhậm Chính Phi. Sau đó, ông mang điều này kể lại với nhân viên và không ngừng nhắc nhở mỗi người phải ý thức nghiêm túc về nguy cơ, những “mùa đông” khắc nghiệt nhất và sẵn sàng cùng nhau hành động để vượt qua.
“Trong suốt 10 năm, tôi luôn dự cảm về nguy cơ. Ngày thất bại chắc chắn sẽ đến, mọi người hãy sẵn sàng đón nhận. Đó là quy luật lịch sử”, Nhậm Chính Phi viết trong thư Mùa đông của Huawei gửi đến nhân viên. Tuy nhiên, ông không viết lá thư này khi công ty gặp khó khăn. Ngược lại, lúc bấy giờ Huawei đang ở giai đoạn hưng thịnh với doanh thu 22 tỷ NDT, quy mô 16.000 nhân viên, xếp thứ 10 trong số 100 công ty điện tử hàng đầu Trung Quốc và có mức lợi nhuận đáng nể. Đối với nhà cầm quân này, nguy cơ tiềm ẩn trong chiến thắng.
Ông nghiêm khắc chỉ ra cho nhân viên Huawei rằng sau ánh hào quang, nhiều sản phẩm còn sai sót, dịch vụ hậu mãi còn chưa đạt yêu cầu tại nhiều nơi. Bên cạnh đó, nhân viên có biểu hiện yên tâm với chiến thắng và sự vững chãi của doanh nghiệp lớn mà quên đi tinh thần chiến đấu những ngày khởi nghiệp gian khổ.
Trong suốt thời gian dẫn dắt Huawei, nhà sáng lập nhiều lần nhấn mạnh 3 giá trị cốt lõi tạo nên thành công gồm đảm bảo chất lượng sản phẩm, khách hàng là trọng tâm và không ngừng đổi mới. Việc ngủ quên trong chiến thắng, không quyết liệt nghiên cứu đổi mới theo nhu cầu của thị trường và khách hàng, đồng thời không xem xét, học hỏi kinh nghiệm từ khủng hoảng của các doanh nghiệp quốc tế là những nguy cơ khiến Huawei đối mặt với một “thất bại nhất định đến”.
Để chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt với nguy cơ, Huawei theo đuổi chiến lược quản trị thú vị: Phá vỡ cảm giác yên ổn, tuyên chiến với lối tư duy hòa bình của nhân viên. Đó là lý do Huawei không xây dựng các tòa nhà lớn hay trang bị tiện nghi quá đầy đủ và cho phép nhân viên được sử dụng miễn phí.
“Bất kể tình hình kinh tế hiện tại của công ty có thực hiện được hay không thì những điều trên phản ánh ý thức hòa bình trong nhân viên. Chúng ta nhất định phải công kích loại ý thức này, nếu không doanh nghiệp sẽ bắt đầu trượt dốc”, quyển Hành trình lập nghiệp của Nhậm Chính Phi của tác giả Hy Văn dẫn lời ông Nhậm dặn dò nhân viên.
Chiến lược hồi sinh
Huawei có tinh thần sẵn sàng đón nhận “mùa đông”, thậm chí, xem đây là cơ hội. Nhậm Chính Phi cho rằng “mùa đông” là cần thiết để doanh nghiệp tự kiểm điểm, trở về với thực tế và không ngủ quên trong chiến thắng. Việc cần làm là nắm giữ vận mệnh của chính mình, không trốn tránh mà thay vào đó, là sự chuẩn bị tốt nhất để tồn tại qua “mùa đông” ấy. Đó là cuộc chiến của sự tồn tại, ai sống sót là người chiến thắng.
Ông Nhậm sớm xác định với nhân viên Huawei rằng, tập đoàn sẽ như phượng hoàng hồi sinh từ trong khó khăn, nỗ lực để tồn tại và phát triển. “Chúng ta phải rèn cái tâm cần cù phấn đấu, chúng ta phải là con chim lửa không chết cháy, hóa thân thành phượng hoàng”, Nhậm Chính Phi truyền cảm hứng cho nhân viên.
“Chúng ta nhất định có thể vượt qua cửa ải gian nan. Chúng ta sẽ là đốm lửa cháy lan đồng cỏ. Huawei chắc chắn có thể trở thành top đầu thế giới”, quyển Hành trình lập nghiệp Nhậm Chính Phi của tác giả Hy Văn dẫn lời nhà sáng lập.
Năm 2001 là mùa đông khắc nghiệt của ngành Internet thế giới. Công ty cung cấp thiết bị hàng đầu Mỹ Lucent mất trắng hàng trăm triệu USD, gánh khoản nợ xấu 2 tỷ USD và phá sản. Motorola – một công ty khổng lồ khác của Mỹ cũng có kết thúc tương tự.
Trong bối cảnh đó, công ty còn non trẻ Huawei trỗi dậy, từng bước chiếm lấy các thị trường bên ngoài Trung Quốc như Trung Á, châu Âu… “Bằng cách dựa vào việc tập trung dịch vụ khách hàng, mạnh tay đầu tư nghiên cứu và phát triển, Huawei đưa các thiết bị 5G vào thương mại hóa và trở thành công ty hàng đầu lĩnh vực này”, tờ SCMP bình luận.
Trong khi đó, nhà phân tích viễn thông tại AT&T – công ty mẹ của Lucent nói với SCMP: “Tôi đau buồn khi nhìn lại ngành công nghiệp viễn thông của Mỹ. Chúng tôi đã tạo ra nó và giờ đây mọi người không thực sự tập trung vào sáng tạo như đã từng nữa. Thay vào đó, thế giới nhớ đến sự sụp đổ của chúng tôi”.
Năm 2018, Guo Ping – CEO luân phiên của Huawei bắt đầu ngày thứ hai như bao ngày bình thường khác. Ông có một bài phát biểu ở Thâm Quyến, Trung Quốc, vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc về sức mạnh công nghệ và vị thế dẫn đầu của Huawei. “Ông Guo tự tin về tiềm năng 5G sẽ biến công ty và cả quê hương của mình trở thành tâm điểm công nghệ toàn cầu”, Financial Times miêu tả.
Vài giờ sau, lời hứa ấy bị dập tắt bởi một thông báo từ Chính phủ Mỹ: Cắt đứt mọi nguồn cung cấp chất bán dẫn cho Huawei. Hôm ấy không còn là ngày bình thường của Huawei. Một “mùa đông” khác vừa bắt đầu.
Và như nhiều lần khác trong 30 năm qua, thế giới chứng kiến cuộc chiến tồn tại và hồi sinh của một “phượng hoàng”.
Sau lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei cần những điều chỉnh lớn khi triển vọng tăng trưởng smartphone và những sản phẩm khác bị ảnh hưởng do lệnh cấm. Tập đoàn vẫn có khe cửa hẹp khi có thể tiếp cận một phần nguồn cung chip Intel. Hãng quyết định chuyển hướng vào các sản phẩm và dịch vụ đám mây để xoay sở, tìm đường sống. Theo Financial Times, mảng đám mây là chìa khóa để Huawei ổn định tại thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, lệnh cấm cung ứng chip của Mỹ, với sự phản ứng nhanh, Huawei có 2 tháng để dự trữ chip trạm gốc 5G đến năm sau, theo báo cáo Jefferies Financial.
Tờ SCMP dẫn một báo cáo cho thấy gã khổng lồ Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế viễn thông không dây, tính đến tháng 10. Huawei đã duy trì tốc độ nghiên cứu và phát triển bất chấp ảnh hưởng của đại dịch và tác động từ lệnh “đóng băng” của Mỹ. Công ty này nộp 8.607 bằng sáng chế từ tháng 1 đến tháng 10, dẫn trước nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đạt 5.807 bằng.
Ở mảng di động, Huawei lần đầu tiên chiếm ngôi đầu bảng, trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong bối cảnh đại dịch và cấm vận. Hãng xuất xưởng 55,8 triệu smartphone vượt qua hãng đứng thứ hai với 53,7 triệu chiếc, theo báo cáo Canalys.
Nhà phân tích Ben Stanton tại Canalys nói: “Đây là kết quả đáng chú ý mà hiếm ai có thể dự đoán cách đây một năm. Nếu không có Covid-19, điều này có thể đã không xảy ra. Huawei đã tận dụng tối đa sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc để tái thiết mảng kinh doanh smartphone của mình”. Khi Huawei đang viết một câu chuyện rất khác về hành trình đi qua “mùa đông” của mình, “không ít gã khổng lồ công nghệ lao đao khi chứng kiến các thị trường cốt lõi như châu Âu, Mỹ hay Brazil bị tàn phá, đóng cửa bởi dịch Covid-19 bùng phát”, ông Stanton bình luận với tờ SCMP.