Berkshire đã quyết định mua 5% cổ phần ở 5 công ty tài chính Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo. Mặc dù số tiền ông bỏ ra không nhằm nhò gì so với núi tiền mặt 140 tỷ USD mà Berkshire đang có trong tay, đây vẫn là thương vụ lớn nhất bên ngoài nước Mỹ.
Để hiểu tại sao thông báo của Berkshire Hathaway cách đây 1 tháng về việc đầu tư 6,5 tỷ USD vào 5 công ty chứng khoán của Nhật Bản lại khiến nhiều người cảm thấy sốc, hãy nhớ lại bài nói chuyện của Warren Buffett với các sinh viên ở Florida năm 1998. Khi đó ở tuổi ngoài 60, với dáng vẻ nhanh nhẹn và tay áo xắn cao, có thể nói đó là thời điểm mà “nhà tiên trí xứ Omaha” đang sung sức nhất.
Câu hỏi đầu tiên dành cho ông là về đầu tư vào Nhật Bản. Ông trả lời rằng mức lãi suất 1% của Nhật Bản thực sự hấp dẫn, nhưng ông đánh giá thấp các doanh nghiệp Nhật Bản bởi vì họ có lợi nhuận rất thấp. Các công ty có lợi nhuận thấp vẫn là mục tiêu ưa thích của Buffett, được ông đánh giá là nên mua vào theo phương thức tiếp cận “đầu mẩu xì gà” nổi tiếng.
“Bạn có thể đi dọc con phố và bắt gặp đầu mẩu xì gà đã hút gần hết và bị người ta vứt đi ở xó xỉnh nào đó. Cuối cùng bạn sẽ nhìn thấy 1 cái đầu mẩu trông có vẻ sũng nước và gớm ghiếc, nhưng trong đó vẫn sẽ còn lại chút hơi và đó là điếu thuốc miễn phí dành cho bạn”, ông từng nói. Tuy nhiên kể cả khi đã xét đến triết lý đó thì ông vẫn không bị thu hút bởi Japan Inc – những doanh nghiệp vốn là niềm tự hào của Nhật Bản đã giúp hồi sinh nền kinh tế sau thế chiến.
22 năm sau, Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất siêu thấp nhưng Buffett đã thay đổi quan điểm. Berkshire đã quyết định mua 5% cổ phần ở 5 công ty tài chính Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo. Mặc dù số tiền ông bỏ ra không nhằm nhò gì so với núi tiền mặt 140 tỷ USD mà Berkshire đang có trong tay, đây vẫn là thương vụ lớn nhất bên ngoài nước Mỹ. Berkshire cũng cho biết tỷ lệ nắm giữ có thể lên đến 9,9%.
Tuy nhiên, động thái mới nhất này vẫn khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Điều gì đã thay đổi sau vài thập kỷ để các công ty tài chính của Nhật Bản đột ngột trở nên hấp dẫn trong mắt Buffett? Hay chỉ đơn giản là Buffett đã thể cưỡng lại sức hấp dẫn của vài “đầu mẩu xì gà” giá rẻ bởi vì tiền trong túi ông đang bị đốt cháy?
Nhìn qua thì có vẻ như Buffett đã bị mất phương hướng. 5 công ty này đi ngược lại rất nhiều quy tắc đầu tư mà ông đã gắn bó suốt đời. Buffett chia sẻ ông thích những công ty dễ hiểu như Coca-Cola và Apple. Ông cũng cho rằng giá rẻ không phải là yếu tố quyết định mà 1 công ty cần phải có lợi nhuận ổn định, lý tưởng nhất là có những “con hào kinh tế” để các đối thủ không thể tấn công. Cả 5 công ty tài chính đều không có những đặc điểm này.
Hãy bắt đầu với sự đơn giản. Trong mắt phương Tây, không có công ty Nhật Bản nào đạt tiêu chuẩn theo đúng mô hình chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ. Tuy nhiên những công ty tài chính của xứ sở mặt trời mọc còn tệ hơn thế. Chúng được định hình bởi lịch sử – gắn liền với các tập đoàn zaibatsu của thế kỷ 19 và hệ thống keiretsu của thời hậu chiến với đặc điểm nổi bật là cấu trúc sở hữu chéo và sự trung thành.
Trong thời hiện đại, mô hình kinh doanh của các tập đoàn này cũng đã biến đổi ít nhiều. Từ những năm 1950 đến 1980, họ đóng vai trò trung gian đi tìm năng lượng, kim loại và khoáng sản về cho nước Nhật, góp phần tạo nên phép màu kinh tế của Nhật Bản. Sau đó họ đầu tư vào các mỏ và hydrocarbon để đáp ứng nhu cầu hàng hóa bùng nổ trên toàn thế giới. Gần nhất họ chuyển sang những lĩnh vực mới mẻ, thâu tóm mọi thứ từ các cửa hàng tiện lợi đến các công ty cáp. Trong quá trình này họ tích lũy một lượng tài sản khổng lồ.
Kết quả là Mitsubishi đang kinh doanh mọi thứ từ than cốc đến gà rán KFC, trong khi Itochu (hiện là tập đoàn có lợi nhuận cao nhất) thậm chí gọi mảng tiêu dùng của mình là 8th Company, ngụ ý đã hết tên để đặt sau khi có 7 công ty con hùng mạnh.
Thế còn về mức giá trị và lợi nhuận thì sao? Cả 5 cổ phiếu đều đang rẻ. Chỉ có Itochu hiện đang được giao dịch ở mức giá cao hơn giá trị sổ sách của tài sản ròng trên bảng cân đối kế toán. Nhưng không thể nói đây là 1 món hời. Kikkawa Tatsuya, chuyên gia của JPMorgan Chase, cho rằng cấu trúc phức tạp khiến chi phí vốn của các công ty này sẽ bị đẩy lên cao so với các công ty chỉ đơn thuần sản xuất hàng hóa như ExxonMobil hay Rio Tinto.
Yếu tố tiếp theo cần xem xét là khả năng cạnh tranh. Có lẽ Buffett đặt cược rằng với vai trò là những doanh nghiệp được sùng bái ở Nhật, sự tồn tại của 5 công ty sẽ hông bị đe dọa. Nhưng xét trên từng công ty thì không ai có những con hào như Berkshire mong muốn. Thậm chí họ là những đối thủ mạnh nhất của nhau.
Tuy nhiên đào sâu thì đây có thể là 1 phương pháp mà Buffett thể hiện sự “điên rồ” của mình. Năm 1998 ông cũng thừa nhận rằng quan điểm của ông về Nhật Bản có thể thay đổi nếu các ông chủ doanh nghiệp “phản ứng tốt hơn trước các yêu cầu của cổ đông”.
Trong mấy năm gần đây, 5 công ty nói trên đã thay đổi khá nhiều. Theo Zuhair Khan, chuyên gia của ngân hàng Thụy Sĩ Union Bancaire Privee, quan điểm của các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu thay đổi sau khi thực hiện một loạt cải cách thân thiện với cổ đông mà cựu Thủ tướng Abe Shinzo khởi xướng. Các giám đốc được trả lương dựa trên hiệu suất nhiều hơn. Họ chuyển trọng tâm từ đầu tư sang tạo ra tiền mặt và tăng cổ tức. Đại dịch sẽ làm chậm nhưng sẽ không làm chệch hướng quá trình này. Người kế nhiệm ông Abe, tân Thủ tướng Suga Yoshihide, được dự đoán cũng sẽ theo đuổi các chính sách trao nhiều quyền hơn cho cổ đông.
Cũng có thể Buffett nhìn thấy những điểm hấp dẫn khác. Ông yêu thích các công ty năng lượng, và cả 5 công ty nói trên, đặc biệt là Mitsui và Mitsubishi, đều có mảng năng lượng hùng mạnh. Họ sẽ hưởng lợi từ đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch. Các công ty này cũng có nguồn nhân lực chất lượng cao được tuyển chọn từ những đại học hàng đầu Nhật Bản.
Tất nhiên đây hoàn toàn không phải là 1 cú đặt cược chắc chắn sẽ thành công. Lịch sử đã chứng kiến nhiều khoản đầu tư bốc hơi vì tin vào chuyện các doanh nghiệp Nhật Bản có thể trở nên giống Mỹ hơn. Nếu Berkshire rơi vào trường hợp đó, các cổ đông sẽ cảm thấy tiếc cho cuộc phiêu lưu của “ông lão 90” Warren Buffett. Nhưng nếu thành công, Buffett đã chứng minh được quan điểm rằng các cổ đông – dù là trong nước hay ở nước ngoài – đều là những khách hàng xứng đáng để chiến đấu vì họ. Và ông đã lượm được 1 mẩu Cohiba béo mập. (Cohiba là thương hiệu xì gà Cuba nổi tiếng nhất thế giới).
Tham khảo The Economist