Sau hơn 80 năm thành lập, Samsung đã đi từ một công ty buôn bán nhỏ lẻ thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu châu Á. Vậy bí quyết của sự thành công ấy là gì?
Năm 2020 là một năm khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu với nhiều biến động trên thị trường. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, giá trị thương hiệu của Samsung vẫn tăng 2%, từ 61,1 tỉ USD trong năm 2019 lên 62,3 tỉ USD trong năm nay, lọt top 5 Thương hiệu tốt nhất toàn cầu theo kết quả của Interbrand.
“Chúng tôi bắt đầu ở vị trí thứ 43 với giá trị thương hiệu là 5,2 tỷ USD vào năm 2000. Năm nay, chúng tôi đứng trong top 5 với giá trị thương hiệu là 62,3 tỷ USD, đó là một thành tích tuyệt vời. Chúng tôi không thể đạt được thành tích này nếu không có sự ủng hộ của khách hàng trên khắp thế giới”, ông Lee YH, Giám đốc Marketing Samsung cho biết.
Tuy nhiên, những ai theo dõi hành trình phát triển từ lâu của Samsung đều hiểu rõ, thành công nói trên của tập đoàn đa ngành này, ngoài sự ủng hộ của khách hàng, còn phải kể đến yếu tố nội tại trong doanh nghiệp. Từ một công ty buôn bán nhỏ thành lập năm 1938 bởi ông Lee Byung Chul, Samsung vươn mình thành con rồng công nghệ tại châu Á, nhờ vào văn hóa làm việc và tính linh hoạt, thích ứng nhanh với thị trường
4 yếu tố then chốt tạo nên thành công của Samsung
1. Đặt ra tiêu chuẩn làm việc mới
CEO Lee Kun Hee, con trai út của nhà sáng lập Lee Byung Chul, chính là người khới xướng tiêu chuẩn mới về thời gian làm việc, và ông cũng là người đưa Samsung đến đỉnh cao thành công.
Trở thành chủ tịch Samsung vào ngày 1/12/1987, ông Lee Kun Hee tuyên bố mình sẽ đổi giờ làm việc của Samsung sang khung 7h sáng đến 4h chiều thay vì 9h sáng đến 6h chiều như đa số công ty Hàn Quốc. Thời điểm đó, quyết định này bị phản đối dữ dội nhưng vị tân chủ tịch vẫn thực hiện đến cùng.
“7h sáng làm việc thì chưa có đối tác nào cả trong khi 4h chiều đối tác, khách hàng đang làm việc với mình thì lại hết giờ. Vậy nên cái kế hoạch này nhận sự phản kháng rất nhiều từ phòng nhân sự”, một cựu giám đốc nhân sự Samsung cho biết.
“Tôi là người đầu tiên giơ tay ủng hộ kế hoạch ấy vì khi đó công việc của tôi rất bận rộn, xuyên suốt từ 6h sáng đến 12h đêm. Khi công việc dừng lúc 4h chiều thì tôi có thời gian học thêm tiếng Trung Quốc”, vị này nói thêm
Một số tài liệu cũng kể rằng Lee Kun Hee yêu cầu tất cả nhân viên của mình rời nhiệm sở lúc 4h chiều để dành thời gian cho các hoạt động xã hội cũng như tham gia những khóa đào tạo ngoài giờ của tập đoàn. Sau 4h chiều, ông thường tự mình gọi điện đến các bộ phận của Samsung một cách ngẫu nhiên, bất kỳ ai trả lời điện thoại sau 4h chiều đều bị quở mắng thậm tệ.
Việc thay đổi giờ làm việc vì thế đã tác động mạnh tới đội ngũ nhân viên, giúp họ vừa có thời gian nâng cao trình độ vừa cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
2. Đào tạo đội ngũ nhân sự có chất lượng
Có một sự thật là đầu những năm 90, các sản phẩm của Samsung hầu như chỉ có ý nghĩa tiêu dùng trong nước chứ không thể xuất khẩu ra những thị trường khó tính hơn như Châu Âu, Mỹ, vì chất lượng thấp.
Đứng trước một Samsung đang khá trì trệ của những năm 80, Chủ tịch Lee Kun Hee quyết định bắt đầu chiến dịch thay đổi cách làm việc của Samsung thông qua việc… không đến công ty. Bằng cách không chịu nghe điện thoại và ngồi ở nhà làm việc, Lee Kun Hee muốn buộc các nhà quản lý cấp dưới của mình phải tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm trước các quyết định đó.
Trong 5 năm từ 1994 đến 1999, Samsung cũng tích cực thực hiện các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ. Mỗi năm Samsung chọn ra 400 người trẻ tuổi có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, tài trợ chi phí và tung họ ra nước ngoài trong 1 năm, mặc cho họ đi đâu, làm gì thì tùy. Chủ tịch Lee hi vọng đội ngũ hạt giống này có thể trở về với hiểu biết và kinh nghiệm sâu sắc về thị trường bản địa mà họ tới nằm vùng, hướng tới mục tiêu xây dựng Samsung thành “tập đoàn toàn cầu, thấu hiểu địa phương”.
Kết quả là suốt 5 năm đó, chương trình gieo giống của Samsung ước tính đã tốn tới 100 triệu USD để đào tạo nhân sự. Đổi lại họ có 2.000 hạt nhân chủ chốt cho kế hoạch đánh chiếm thị trường thế giới. Đến tận bây giờ Trung tâm phát triển nhân lực của Samsung đóng ở Hàn Quốc vẫn tiếp nhận khoảng 50.000 học viên mỗi năm. Công cuộc “luyện quân” của Samsung kéo dài suốt hơn 20 năm đến bây giờ vẫn không hề có dấu hiệu “lão suy”.
3. Khả năng linh hoạt vượt trội, thay đổi định hướng theo từng giai đoạn
Vào mỗi giai đoạn, chủ tịch Lee Kun Hee đều đưa ra những định hướng phát triển khác nhau cho phù hợp với nhu cầu và xu hướng của thời đại. Nếu như ban đầu chỉ nhằm mục tiêu đưa Samsung thành một thương hiệu vững mạnh ở Hàn Quốc thì sau đó Samsung quyết định hướng tới xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Đến nay, Samsung đã phát triển tới quy mô khổng lồ với hơn 80 ngành nghề khác nhau. Trong đó có 3 trụ cột chính là Samsung Electronics (điện tử), Samsung Heavy Industries (đóng tàu) và Sámsung Engineering Samsung C&T (xây dựng).
Trong mảng điện tử, Samsung không ngại thử nghiệm bất cứ điều gì, từ sản xuất điện thoại đến máy tính bảng, từ tủ lạnh đến máy rửa bát, TV, máy giặt… Các sản phẩm của Samsung phủ sóng mọi phân khúc thị trường mà khách hàng có thể mường tượng được.
Khi được hỏi tại sao Samsung vượt trội hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Sony và LG Electronics, một chuyên gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do Sony và LG không có nhiều phương án thay thế cho những sản phẩm đang “thoái trào”. Ví dụ, trong khi Samsung sở hữu nhiều sản phẩm có thể hỗ trợ cho nhau thì Sony vẫn đang loay hoay với sự đình trệ của sản phẩm máy chơi điện tử và điện thoại.
Với Apple, Samsung là đối thủ truyền kỳ. Nếu Samsung từng trung thành về mảng thị trường trung cấp, thì Apple dẫn đầu trong mảng siêu phẩm. Tuy nhiên, trước cơn lốc Iphone, Ipad, Samsung đã học hỏi và dần tiếp cận phân khúc thị trường cao cấp. Điều này được thể hiện qua dòng sản phẩm Galaxy hay Note. Thậm chí số lượng điện thoại Galaxy được tiêu thụ trên thế giới cao hơn nhiều so với số lượng iPhone.
4. Đề cao vai trò của marketing
Trong bối cảnh thị trường công nghệ đang “bội thực” với ngày một nhiều các sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng,… thì Samsung chọn cách khôn ngoan là tập trung vào khâu tiếp thị, đưa sản phẩm tiếp cận tới khách hàng. Tập Samsung xây dựng tới 55 công ty con để thúc đẩy chiến lược quảng bá trên toàn thế giới và sản phẩm được quảng cáo với hơn 20 slogan khác nhau.
Hãng công nghệ Hàn Quốc được cho là đã dành ra khoảng 14 tỷ USD vào khâu tiếp thị và quảng cáo sản phẩm trong năm 2013, con số lớn nhất (tính theo tỷ lệ % trên tổng doanh thu) đối với bất kỳ công ty nào. Trong năm 2017, theo thống kê của Ad Age, Samsung cũng là thương hiệu chi tiền quảng cáo nhiều nhất thế giới, với 11,3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, việc trở thành nhà tài trợ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea hay các chương trình ăn khách như “the X-factor” (Nhân tố bí ẩn) và Olympics cũng khiến tên tuổi Samsung trở nên “nổi như cồn” trên thế giới.
Kết quả là bằng chiến lược tiếp thị tuyệt hảo của mình, Samsung đã ngăn chặn những thất bại, thúc đẩy sự thành công và giữ vững vị trí trên đỉnh của lĩnh vực kinh doanh công nghệ.