Tại sự kiện tuần qua, điểm nhấn thực sự không phải là thiết kế hay tính năng mới của bộ bốn chiếc điện thoại iPhone 12, mà là việc Apple sẽ không tặng thêm bộ sạc và tai nghe đi kèm với những chiếc smartphone của mình nữa. Thay vào đó, đi kèm theo dòng iPhone 12 và những chiếc iPhone sau này chỉ bao gồm một cáp sạc USB-C to Lightning.
Động thái này của Apple dựa trên giả định cho rằng, những người mua iPhone mới đều đã có tai nghe và củ sạc cho riêng mình và việc tặng kèm trở nên không cần thiết. Nói về quyết định này, Apple khẳng định họ làm vậy nhằm bảo vệ môi trường, bằng cách giảm việc khai thác, khâu đóng gói sản phẩm và giảm lượng phát thải khí CO2 trong khâu sản xuất sản phẩm.
Apple nhận được sự ủng hộ từ một số nhóm hoạt động vì môi trường về quyết định này. Trên thực tế, do “gã khổng lồ công nghệ” liên tục cho ra mắt các sản phẩm mới, việc cắt giảm rác thải điện tử là rất quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của mình.
Hồi tháng Bảy, Apple đã thể hiện mong muốn trở thành công ty thân thiện với môi trường và cam kết cắt giảm 75% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030.
Thế nhưng, theo một số chuyên gia, Apple không thực sự hướng tới bảo vệ môi trường mà chỉ quan tâm đến một điều duy nhất: lợi nhuận.
Angelo Zino, nhà phân tích của CFRA Research cho biết, dòng iPhone 12 mới đều trang bị công nghệ 5G và điều đó khiến chi phí sản xuất cao hơn, ước tính khoảng 30-25% so với các thế hệ iPhone trước đây. Do vậy, Apple cần phải tìm cách cắt giảm chi phí ở những khâu khác.
Ngoài ra, iPhone 12 chỉ tặng kèm cáp sạc USB-C to Lightning lại không hề tương thích với các củ sạc được Apple tặng kèm trước đây, vốn dùng cổng USB-A. Điều này mang lợi ích “kép” cho Apple, một là khách hàng phải bắt buộc mua củ sạc mới từ chính Apple, giúp tăng doanh số cho công ty; hai là khách hàng tìm đến các nhà sản xuất phụ kiện khác.
Việc mua lẻ các củ sạc này có nghĩa là sẽ phát thải thêm rác thải từ bao bì và ô nhiễm do hoạt động vận chuyển mang lại. Nếu người dùng mua củ sạc này từ các nhà sản xuất phụ kiện khác, mức độ phát thải ô nhiễm sẽ lại đến từ các công ty đó, thay vì Apple.
Sara Behdad, phó giáo sư khoa học kỹ thuật môi trường tại Đại học Florida thì nhận định, rất khó để nói được chính xác liệu sáng kiến phát triển bền vững của các công ty công nghệ có phát huy tác dụng hay không vì còn phải chờ vào tình hình thực tiễn.
Chính vì sự không chắc chắn đó khiến nhiều chuyên gia tiếp tục hoài nghi về động thái của các tập đoàn đa quốc gia khi động tới những vấn đề quan trọng của xã hội như biến đổi khí hậu hay giảm chất thải điện tử.
Có những ý kiến cho rằng, tại sao Apple không tái sử dụng và tái chế các sản phẩm của mình, trong khi thị trường mua bán iPhone cũ đang hoạt động vô cùng náo nhiệt.
Apple là một trong công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới và có ảnh hưởng đặc biệt tới hành vi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, Apple mang khá nhiều trách nhiệm với thế giới và công ty có đủ khả năng để làm tốt hơn nữa, nếu họ thực sự coi trọng việc bảo vệ môi trường.
Thế Linh
(theo The Verge)