Khi lệnh cấm của Mỹ ‘bóp nghẹt’ mảng kinh doanh smartphone và 5G, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cho biết Huawei phải lấy điện toán đám mây làm ưu tiên hàng đầu.
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi
Trong bài phát biểu nội bộ vào tháng 11 và được chia sẻ trên diễn đàn nhân viên 2 ngày trước năm mới, ông Nhậm thừa nhận đám mây không phải thế mạnh và Huawei cần tạo ra “đột phá”. Theo nhà sáng lập Huawei, đi theo con đường của Alibaba và Amazon là “bất khả thi” do họ được tiếp cận lượng tiền vô hạn trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ông chỉ ra công ty phải thu hẹp quy mô trước vì chiến lược quá rộng sẽ đánh mất sức mạnh.
Alibaba và Amazon đều là các gã khổng lồ công nghệ, sở hữu các mảng kinh doanh trải dài từ thương mại điện tử, streaming, điện toán đám mây… Mặt khác, Huawei chủ yếu tập trung vào viễn thông và smartphone.
Ông Nhậm cho rằng Huawei nên học hỏi từ thành công của Amazon và Microsoft, hai công ty dẫn đầu trên thị trường đám mây toàn cầu, bằng cách tập trung vào cho thuê cơ sở hạ tầng (IaaS) và nền tảng (PaaS). Trong IaaS, khách hàng thường trả một khoản phí để sử dụng nguồn lực điện toán như lưu trữ dữ liệu, mạng. Trong PaaS, họ trả để sử dụng kết hợp nguồn lực điện toán và cơ sở hạ tầng để code và cung cấp phần mềm trên Internet.
Theo ông Nhậm, công ty nên tập trung vào ký hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức lớn trong các ngành quan trọng. Dù Amazon và Microsoft đang đứng đầu thị trường IaaS thế giới, Huawei là một trong các nhà cung cấp lớn tại Trung Quốc bên cạnh Alibaba và Tencent. Theo hãng nghiên cứu Canalys, trong quý III/2020, Alibaba nắm 40% thị phần Trung Quốc, Tencent và Huawei mỗi bên nắm gần 16%.
Dịch vụ đám mây ghi nhận tăng trưởng nhảy vọt trong năm 2020 khi các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động trực tuyến nhằm đối phó với Covid-19. Tại Trung Quốc, chi tiêu cho đám mây được thúc đẩy nhờ sáng kiến “hạ tầng mới của Chính phủ, nhằm tăng tốc chi tiêu cho các lĩnh vực như mạng 5G, trung tâm dữ liệu.
Huawei đang chiến đấu để hồi sinh kinh doanh sau khi bị Mỹ tuyên bố là nguy cơ an ninh mạng. Từ giữa năm 2019, công ty bị cấm mua sản phẩm, dịch vụ của Mỹ nếu không được phê duyệt. Mỹ còn ra lệnh các nhà sản xuất chip sử dụng công nghệ Mỹ phải xin giấy phép trước khi bán hàng cho Huawei.
Vào tháng 9/2020, Chủ tịch luân phiên Huawei cho biết công ty vẫn có đủ chip cho mảng khách hàng doanh nghiệp. Mặt khác, lượng chip smartphone dự trữ ít tới mức họ phải dừng sản xuất smartphone dùng chip cao cấp. Cuối năm ngoái, hãng quyết định bán thương hiệu smartphone bình dân Honor với hi vọng cuộc “ly hôn” sẽ giúp Honor thoát khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Dù vậy, dường như Huawei không hoàn toàn từ bỏ mảng khách hàng cá nhân. Gần đây, công ty tiết lộ kế hoạch đưa hệ điều hành Harmony tự phát triển lên tất cả smartphone và thiết bị khác trong năm nay.
Du Lam (Theo SCMP)