Động cơ chính của thương vụ Honor là giúp thương hiệu giá rẻ này tiếp cận với công nghệ của Mỹ sau khi tách biệt khỏi Huawei.
Ngày 17/11, gã khổng lồ công nghệ viễn thông Huawei thông báo rằng họ đã bán thương hiệu smartphone phổ thông Honor của mình cho một tập đoàn với hơn 30 công ty được hậu thuẫn bởi chính quyền Thâm Quyến, Trung Quốc.
Giới quan sát nhận thấy rõ, động cơ chính của thỏa thuận là giúp Honor tiếp cận với công nghệ của Mỹ sau khi tách biệt khỏi Huawei – vốn nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc tiết lộ, trong một bản ghi nhớ nội bộ, CEO Huawei Nhậm Chính Phi nhắc lại rằng thương vụ Honor sẽ là một “bước đột phá” cho Honor để tách biệt khỏi công ty mẹ. Ông Nhậm đã nhấn mạnh sự “không liên quan” giữa công ty Honor và công ty mẹ Huawei. Điều này cho thấy rõ ý định thực sự của Huawei với thương vụ bán Honor.
“Sau khi chúng tôi tách biệt, sẽ không còn bất kỳ mối quan hệ ngầm nào với Honor nữa. Chúng tôi đang xử lý sự tách biệt theo cách thức trưởng thành và sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chuẩn mực quốc tế. Dưới sự lãnh đạo mới của mình, Honor sẽ nhanh chóng tiếp tục sản xuất và giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến các đối tác thượng nguồn và hạ nguồn. Mỹ là một siêu cường công nghệ có nhiều công ty xuất sắc. Bạn nên chắc chắn và mạnh dạn làm việc với họ” – ông Nhậm nhấn mạnh.
CEO Huawei tuyên bố tại bữa tiệc chia tay với các nhân viên của Honor: “Hãy trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của Huawei trên thế giới, vượt qua Huawei và thậm chí lấy việc đánh bại Huawei làm động lực cho bạn. Chúng tôi là đối thủ cạnh tranh trong tương lai.”
Ông Nhậm dường như hy vọng rằng Honor sẽ lấy lại quyền truy cập vào mạch điện và phần mềm của Mỹ, từ đó giúp thương hiệu này lấy lại thị phần cũ trên thị trường smartphone.
Nhà cung cấp thiết bị CNTT lớn nhất thế giới thông báo bán công ty con cho một tập đoàn gồm 30 thành viên do nhà phân phối thiết bị cầm tay Digital China cũng như các nhà đầu tư trong chính phủ Thâm Quyến đứng đầu, trị giá 15,2 tỷ USD.
“Sau khi bán, Honor sẽ nhanh chóng tiếp tục sản xuất dưới sự lãnh đạo của Zhixin để giải quyết các vấn đề với các đối tác” – ông Nhậm lưu ý, đồng thời cảnh báo công ty điện thoại thông minh giá rẻ sẽ phải đối mặt với “những vấn đề lớn hơn bất kỳ công ty mới nào khác” và kêu gọi nhân viên học hỏi từ các công ty công nghệ đa quốc gia khác cũng như làm việc với các đối tác trong nước.
Vụ mua bán này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ đang diễn ra, nơi chính quyền Trump thường xuyên cáo buộc hàng chục công ty công nghệ Trung Quốc làm gián điệp cho Bắc Kinh, điều mà Huawei, ZTE và các quan chức Trung Quốc luôn phủ nhận.
Huawei và ZTE đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen cùng với hàng chục công ty đại lục, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia và đe dọa bổ sung nhà sản xuất chip SMIC có trụ sở tại Thượng Hải. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cũng tuyên bố hai công ty này chứa nguy cơ an ninh quốc gia Mỹ vì có liên hệ với quân đội Trung Quốc.