Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, Hàn Quốc ngày nay đã tạo nên ‘Làn sóng Hàn Quốc’ ảnh hưởng đến châu Á và thế giới, đi cùng là những thương hiệu toàn cầu như Samsung, Hyundai, LG Electronics hay GM Daewoo…
Hàn Quốc là một quốc gia thuộc khu vực Đông Á, nằm ở nửa phía nam của bán đảo Triều Tiên, với địa hình chủ yếu là đồi núi, dân số khiêm tốn, và tài nguyên thiên nhiên không có gì đáng giá. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, Hàn Quốc từng bị xâm chiếm hơn 400 lần trong suốt 5000 năm qua các giai đoạn: Thời đại Tam Quốc – Shilla Thống Nhất – Koryo – Chosun – Thời kỳ bị Nhật chiếm đóng – Thời kỳ chia cách Nam-Bắc, đã làm nên nỗi hận sâu sắc được dồn nén theo năm tháng trong lòng người dân Hàn.
Sự hận thù này tích tụ hằn sâu đến mức trong tiếng Hàn có một từ không thể giải nghĩa, đó là “Han” – một căn tính đặc trưng của người dân Hàn, chỉ sự căm giận, uất hận vì đời sống người dân vô cùng cực khổ, chịu áp bức kéo dài triền miên.
Đặc biệt giai đoạn sau cuộc chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên vào năm 1953, Hàn Quốc rơi vào thời kỳ đen tối nhất lịch sử. Đất nước bị chia cắt, nhiều thành thị chỉ còn là đống tro tàn, thiên tai lũ lụt nối tiếp hạn hán diễn ra, nạn đói không bỏ sót một gia đình nào, thậm chí người dân phải ăn đến cọng rau và ngọn cỏ,…
“Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng”. Với quyết tâm như vậy, trong 20 năm lãnh đạo đất nước Tổng thống Park Chung Hee đã dựng Hàn Quốc dậy, làm sống lại niềm tin trong lòng người dân qua sự lãnh đạo cương quyết, làm đến cùng những lời thề này trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế và xã hội.
Vốn nghèo nàn về tài nguyên, quốc gia này còn rơi vào thế gọng kìm giữa Trung Quốc và Nhật Bản – hai quốc gia hùng mạnh cũng là kẻ thù không đội trời chung. Lúc bấy giờ, người dân Hàn Quốc đứng trước sự lựa chọn: hoặc mãi mãi sống trong nghèo hèn, tủi nhục, hoặc chọn đua tranh – thay đổi để tiến lên, lao động hăng say để chiến thắng quá khứ và làm chủ tương lai.
Trong chính hoàn cảnh khốn cùng nhất, cũng là khi tinh thần “Hàn” được thổi bùng mạnh mẽ nhất đã chuyển hóa thành nguồn sức mạnh lớn lao để người dân Hàn Quốc quyết tâm cùng nhau hiện thực hóa khát vọng “Đại Hàn” lớn lao, phải đưa Hàn Quốc thoát khỏi số phận nghèo đói, lạc hậu, sự chèn ép để trở nên hùng mạnh, có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Chính khát vọng lớn đó, tất cả người dân Hàn Quốc thuộc mọi thành phần từ nông dân, công nhân, quan chức… ở khắp mọi mặt trận đều đồng lòng cùng chính phủ gây dựng lại đất nước, tạo nên lực đẩy thần kỳ thúc đẩy nền kinh tế phát triển vượt bậc. Tinh thần quyết liệt của người Hàn được thể hiện nổi bật nhất trong “Phong trào xây dựng nông thôn mới Saemaeul”, được xem là đòn bẩy đưa kinh tế đi lên và là phong trào đánh thức khát vọng của người Hàn. Với phong trào này, người dân nhận được sự hỗ trợ xi măng của chính phủ để xây làng, nô nức thi đua nhau lao động sản xuất, thể hiện ý chí tự lực vươn lên để cải thiện đời sống. Kết quả, chỉ sau 2 năm đã có 33.267 ngôi làng có sự thay đổi mạnh mẽ, đời sống khu vực nông thôn được phục hồi rõ rệt. Đến năm 1979, 98% làng ở Hàn Quốc đã có thể tự lực kinh tế.
Tinh thần Làng mới Saemaeul đã vượt biên giới làng quê nông thôn, lan tỏa đến thành phố, không chỉ nằm ở hộ gia đình mà còn là tinh thần của các trường học, công sở. Từ bệ phóng về văn hóa, kinh tế, ngoại giao trong những năm gần đây Hàn Quốc không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức,… nhằm chứng minh tiềm lực phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó, trong mọi hoàn cảnh người dân Hàn Quốc đã đặt cá tôi cá nhân xuống cùng để cùng cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay nhau, cùng chung một “khát vọng Đại Hàn”, quyết tâm đưa Hàn Quốc vượt qua những thử thách khó khăn nhất của lịch sử.
Trải qua hàng loạt các bài học về sự trỗi dậy, quyền lực và ảnh hưởng của các cường quốc từ cổ đại cho đến đương đại; chúng ta có thể thấy được một sự thật rõ ràng là mặc dù cho có khác nhau về diện tích, quy mô dân số, vị trí địa-văn hóa, tài nguyên,… nhưng công thức để mọi quốc gia có thể trở thành cường quốc và giữ vững được vị trí cường quốc của mình đều là như nhau:
Đều khởi đầu từ sự trỗi dậy của ý chí, của khát vọng chiến thắng nghịch cảnh, ganh đua với các cường quốc khác, một khát khao – một nỗi ám ảnh không chấp nhận số phận hèn kém hay bình thường; đều cần có sự hiểu biết, trí tuệ, chiến lược, sách lược đúng đắn của một tầng lớp tinh hoa dẫn dắt; và cuối cùng, đều có được sự đoàn kết, đoàn kết của toàn bộ người dân cùng nỗ lực thực hiện khát vọng chung, tầm nhìn chung, sách lược chung và luôn biết đặt các mục tiêu chung thiêng liêng đó lên trên lợi ích vị kỷ của cá nhân.
Sức mạnh, quyền lực và sự ảnh hưởng của mọi quốc gia chính là thành quả được hình thành từ ba nhóm nguyên nhân cốt lõi nêu trên. Trung Nguyên Legend sẽ tiếp tục giới thiệu các tri thức nền tảng để chúng ta có thể xác lập, định hình rõ hơn công thức và con đường để kiến tạo sức mạnh, phát huy, duy trì và phát triển quyền lực và sự ảnh hưởng của từng quốc gia, của mỗi dân tộc trong các loạt bài viết tiếp theo đăng trên chuyên mục “Hành Trình Từ Trái Tim” – mà cuốn sách “Thập nhị binh thư” là một trong những nền tảng căn cốt đầu tiên về tài thao lược binh pháp cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia và mỗi dân tộc.