Hai đại gia công nghệ có tên trong danh sách những công ty phản đối thương vụ giữa NVIDIA và ARM.
Microsoft, Google, và Qualcomm đều đã nêu ra những lo ngại đối với việc NVIDIA mua lại nhà thiết kế chip ARM. Theo Bloomberg, các công ty này đã tiếp cận giới làm luật ở Mỹ, Anh, châu Âu và Trung Quốc để đưa ra ý kiến việc NVIDIA có thể tác động đến mô hình kinh doanh của ARM.
Khi tiếp cận và mua lại ARM, NVIDIA cho biết công ty này sẽ không tác động đến cách kinh doanh hiện tại của nhà thiết kế chip có trụ sở tại Anh. CEO NVIDIA Jensen Huang khẳng định mô hình cấp phép mở của ARM sẽ được duy trì, và NVIDIA không cố ý định “bóp nghẹt” hay “từ chối” bất kỳ khách hàng nào của ARM.
NVIDIA cho biết việc mua lại ARM chủ yếu để phát triển AI, vì những thiết kế tiết kiệm điện của ARM sẽ giúp các sản phẩm ứng dụng AI của NVIDIA được sử dụng rộng rãi hơn.
Tuy nhiên những công ty nói trên, đều có thể coi là đối thủ của NVIDIA, cho rằng khi đã bỏ ra tới 40 tỷ USD, NVIDIA sẽ không thể giữ cho ARM ở vị thế trung lập. Chỉ cần NVIDIA đưa ra một số hạn chế để cấp phép công nghệ của ARM, những khách hàng của hãng chip Anh như Google, Microsoft hay Qualcomm có thể bị tụt hậu về công nghệ.
ARM gần như là công ty độc quyền về thiết kế chip trên smartphone và các thiết bị thông minh. Mọi loại chip smartphone nổi bật, từ Apple A Bionic, Qualcomm Snapdragon đến Samsung Exynos đều sử dụng các thiết kế nền của ARM, và được hãng phát triển tùy biến lại dựa trên nhu cầu của mình.
Ngoài ra, thiết kế chip của ARM cũng được dùng trên nhiều thiết bị IoT, các hệ thống tích hợp. Từ năm 2020, Apple đã mang thiết kế chip ARM lên máy tính với vi xử lý M1. Microsoft, Amazon cũng đang phát triển những chip máy chủ dựa trên ARM.
Năm 2016, ARM được tập đoàn SoftBank của Nhật mua lại với giá 31,3 tỷ USD. Lúc đó, ARM là hãng công nghệ lớn nhất được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán London.
Tuy nhiên sau 4 năm, tình cảnh khó khăn buộc SoftBank phải bán ARM. Tháng 9/2020, NVIDIA công bố mua lại ARM với giá 40 tỷ USD.
Sau khi sở hữu ARM, NVIDIA sẽ có quá nhiều quyền lực và ảnh hưởng trong ngành chip. Theo Bloomberg, vụ mua bán này được cho là một thương vụ ngành dọc, tức là hai công ty hoạt động trong những lĩnh vực đủ khác biệt để không bị coi là độc quyền. Tuy nhiên, khi các công ty công nghệ ngày càng mở rộng lĩnh vực, việc thương vụ vấp phải sự phản đối từ nhiều hãng lớn là dễ hiểu.
Theo CNBC, Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) đã yêu cầu NVIDIA và ARM cung cấp thêm thông tin về thương vụ, đồng thời sẵn sàng đối thoại với các công ty phản đối thương vụ này. Tại Anh và châu Âu, các quan chức chống độc quyền đang soi rất kỹ thương vụ kỷ lục của ngành chip. The Verge cho rằng ngoài các ông lớn công nghệ nói trên, sẽ có rất nhiều đối tác của ARM phản đối hoặc nêu ra lo ngại khi công ty này bị bán cho NVIDIA.
Bản thân các đại gia công nghệ nói trên cũng từng đối mặt nhiều vụ kiện về độc quyền. Qualcomm đã phải trả hàng trăm triệu USD vì hành vi độc quyền tại Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Microsoft từng bị điều tra từ những năm 1990, trong khi Google cũng đang phải giải quyết những cáo buộc gần đây.