Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định pháp luật liên quan hiện mới xử phạt mang tính răn đe, chưa xử phạt dựa trên doanh thu của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu về việc kiểm soát thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là tin sai, tin giả trên các mạng xã hội.
Về vấn đề tin sai, tin giả, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn nạn toàn cầu. Tại Việt Nam tin giả chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới, mà chủ yếu là Facebook và Youtube.
“Việt Nam là một nước có chủ quyền trên không gian mạng, do vậy các nền tảng nội dung xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam”, ông Hùng khẳng định và cho biết về thể chế, Bộ đã ban hành Nghị định 15 về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội; về công cụ quản lý đã nâng cấp trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với năng lực xử lý mỗi ngày là 300 triệu tin. Đồng thời, cũng có đường dây nóng của cục, sở thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận phản ánh về tin giả, tin xấu.
Về thực thi pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với Facebook, YouTube. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu trên Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với 2017. Tương tự, số video xấu độc trên YouTube được gỡ bỏ trong năm năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ trong năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục sửa các quy định liên quan đến mạng xã hội và tin giả. Đồng thời, Bộ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội, coi đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh để rồi vô trách nhiệm.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế. “Hiện nay, bốn công ty lớn như Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD, nhưng chưa đóng thuế”, ông Hùng cho biết.
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, quy định pháp luật liên quan hiện mới xử phạt mang tính răn đe, chưa xử phạt dựa trên doanh thu. Theo đó, nếu phạt 100 triệu đồng (khoảng 5.000 USD) với cá nhân, doanh nghiệp nhỏ là số tiền lớn, nhưng với doanh nghiệp hàng chục tỷ USD thì lại là số tiền quá nhỏ. Nhiều nước đã áp dụng xử phạt trên doanh thu với các nền tảng xuyên biên giới. Ví dụ, phạt 4% doanh thu, thì Facebook sẽ phải nộp phạt 1 tỷ USD.
Cũng tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi về tình trạng video xấu, độc trên nền tảng YouTube, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, hiện có 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên nền tảng này; trong đó 15.000 kênh thu tiền quảng cáo, 350 kênh có hàng triệu người theo dõi.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nâng tỷ lệ tháo gỡ video xấu độc, thực thi pháp luật với YouTube từ 50 lên đến 90%. Bộ cũng đạt được thỏa thuận với YouTube, khi cơ quan chức năng Việt Nam thông báo một kênh vi phạm pháp luật thì nền tảng này sẽ dừng việc ăn chia tiền quảng cáo.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với Bộ Công An xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất các nội dung xấu độc, tinh thần xử lý nghiêm. “Thời gian tới, việc này sẽ phải làm rất nghiêm”, Bộ trưởng Hùng khẳng định. Theo đó, Bộ sẽ làm việc với YouTube để nâng tỷ lệ thực thi pháp luật không phải 90% mà là 100%. Ngoài ra, Bộ đang phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc, khả năng 2021 sẽ có công cụ này.
HOÀNG HÀ