Chuỗi cung ứng phân cực khởi xướng dưới thời Tổng thống Donald Trump có xu hướng tiếp diễn khi ông Joe Biden lên nắm quyền.
Nhân viên kiểm tra điện thoại tại Rising Stars Mobile India, một công ty con của Foxconn ở Sriperumbudur, Ấn Độ năm 2019. Ảnh: Bloomberg
Apple, gã khổng lồ công nghệ phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc, sẽ chuyển một số dây chuyền sản xuất iPad, MacBook sang Việt Nam. Hon Hai Precision Industry (Foxconn) phân bổ 270 triệu USD đầu tư tại đây. Những động thái này cho thấy “cuộc di cư” lớn hơn và dài hơi, có thể ảnh hưởng đến Apple lẫn vai trò “công xưởng thế giới” của Trung Quốc.
Nhà sáng lập Foxconn Terry Gou đặt tên cho xu hướng chuỗi cung ứng phân đôi là “G2”. Chủ tịch Foxconn Young Liu hồi tháng 8 dự đoán các khu vực như Ấn Độ, Đông Nam Á, Mỹ trong tương lai sẽ trở thành hệ sinh thái sản xuất xủa riêng mình. Xu hướng dường như không thể đảo ngược khi các nước như Ấn Độ, Việt Nam đang tăng cường nỗ lực và hạ tầng để thu hút nhà sản xuất.
Dan Wang, nhà phân tích công nghệ của Gavekal Dragonomics, cho rằng, các công ty sẽ tiếp tục sản xuất bên ngoài Trung Quốc khi chi phí tại Trung Quốc đắt đỏ hơn, còn khu vực khác cải thiện cạnh tranh.
CEO Apple Tim Cook chính là người đề xướng chuỗi sản xuất lấy Trung Quốc làm trung tâm. Vài năm gần đây, nhà sản xuất iPhone đang khám phá các phương án thay thế nhiều hơn. Chẳng hạn, công ty không ngừng tăng sản lượng iPad tại Ấn Độ thông qua các đối tác. Pegatron đầu tháng này thông báo “bơm” 150 triệu USD vào chi nhánh Ấn Độ và sẽ sản xuất sớm nhất từ cuối năm 2021. Tại quê nhà Mỹ, Apple đang vận động chính phủ Mỹ hỗ trợ sản xuất chip tại địa phương bằng các chính sách ưu đãi thuế. Đối tác chính của hãng, TSMC, có kế hoạch xây dựng nhà máy chip tại Arizona.
Ngoài Apple, Google cũng yêu cầu Foxconn lắp ráp linh kiện quan trọng trong máy chủ tại Wisconsin. Việc sản xuất quy mô lớn dự kiến diễn ra vào quý I/2021. Quan chức Pegatron cho biết, công ty dự định thiết lập hoạt động sản xuất tại Mỹ để phục vụ khách hàng khác.
Wistron, một đối tác lắp ráp iPhone và laptop, máy chủ cho các doanh nghiệp Mỹ khác, thông báo kế hoạch bổ sung sản lượng tại Mexico và Đài Loan. Họ cũng mua lại nhà máy tại Malaysia. Hồi tháng 3, Chủ tịch Simon Lin tiết lộ, một nửa sản lượng của nhà máy Wistron có thể được phân bổ ngoài Trung Quốc trong năm 2021, do hoạt động tại Việt Nam được tăng cường và Ấn Độ là địa bàn chiến lược trong thập kỷ tới.
Trong khi bận rộn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Apple cũng củng cố quan hệ với các nhà sản xuất Trung Quốc để phục vụ thị trường địa phương. Đầu năm nay, Luxshare Precision Industry ký hợp đồng mua nhà máy sản xuất iPhone của Wistron tại nước này. Luxshare hoàn toàn có thể trở thành đối tác Trung Quốc đầu tiên lắp ráp thiết bị biểu tượng của Apple. AirPods đang do Luxshare sản xuất chủ yếu, bên cạnh GoerTek.
Foxconn mất 30 năm để xây dựng đế chế sản xuất khổng lồ tại Trung Quốc. Chủ tịch Liu tin rằng, Ấn Độ hay bất kỳ khu vực nào khác đều không thể chỉ sau một thời gian ngắn mà đạt tới quy mô như vậy. Việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sẽ mất thời gian và Trung Quốc vẫn duy trì vai trò “công xưởng sản xuất” điện tử lớn trong ít nhất 5 năm tới, ông Wang nhận định.
Du Lam (Theo Bloomberg)