Rồi đây, các công ty công nghệ khổng lồ của thế giới như FAGA (Facebook, Amazon, Google, Apple – cả 4 đều là các công ty Mỹ) sẽ phải tự thay đổi bằng những cách nào đó để bớt gặp rắc rối với luật pháp của các nước.
Chính phủ Mỹ không muốn Google “một mình một chợ” vì không có ai cạnh tranh nổi trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo online; Amazon, Apple hoặc Facebook cũng nên coi chừng.
Lạm dụng quyền lực độc quyền?
Chính phủ Mỹ mới đây đã đệ đơn kiện với cáo buộc Google duy trì độc quyền bất hợp pháp về tìm kiếm và quảng cáo online. Trong một buổi họp báo ngày 22/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeffrey Rosen cho biết đơn kiện của chính phủ liên bang cùng với đơn kiện của 11 bang nhắm vào sự thống trị của Google (thuộc tập đoàn mẹ Alphabet). Các bang này là Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas.
Trước khi vụ kiện nổ ra, Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ đã công bố khoảng giữa tháng 10 một báo cáo dài 449 trang với kết luận: Amazon, Apple, Facebook và Google đã thiết lập và lạm dụng quyền lực độc quyền nên Mỹ cần điều chỉnh luật chống độc quyền để đối phó. Chữ “độc quyền” xuất hiện 120 lần trong báo cáo. Một số nội dung chính của báo cáo như sau:
Apple: Quyết định người dùng có thể cài ứng dụng nào vào điện thoại iPhone, và đó là các ứng dụng được phát triển bởi bên thứ 3. Phần lớn người dùng iPhone tải ứng dụng về trên cửa hàng ứng dụng App Store và điều đó cho phép Apple thu phí cao hơn từ nhà phát triển phần mềm, loại bỏ đối thủ và lạm dụng dữ liệu của nhà phát triển để tạo ra các dịch vụ và tính năng cạnh tranh.
Google: Báo cáo cho biết Google sử dụng hợp đồng đối tác và khách hàng với nhiều điều khoản ngặt nghèo. Ví dụ: Trong một email nội bộ, CEO của Google đã chấp thuận biện pháp đảm bảo công cụ tìm kiếm của Google luôn là trung tâm của một thiết bị di động. Khi một nhà sản xuất phần cứng phàn nàn rằng Google làm thiết bị quá tải do phải chạy nhiều ứng dụng bắt buộc từ Google, họ lại đổ lỗi ngược – cho rằng nhà sản xuất không tạo ra thiết bị có bộ nhớ lớn hơn.
Amazon: Có khoảng 2,3 triệu cửa hàng lên Amazon để kinh doanh, và tầm 37% dựa vào nền tảng này như nguồn thu nhập duy nhất. Amazon đã tận dụng vị thế vừa là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới và là chợ thương mại điện tử hàng đầu để triệt tiêu cạnh tranh. Amazon thu thập dữ liệu bán hàng và sản phẩm trên nền tảng của mình để xác định các sản phẩm đang nóng, sao chép giống hệt và chào bán sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn.
Với các sản phẩm, như sản phẩm dùng trong ngôi nhà thông minh, Amazon đẩy sản phẩm của mình lên, dìm các sản phẩm tương tự của đối thủ xuống. Trong lĩnh vực điện toán đám mây, Amazon Web Service là sản phẩm dẫn đầu thị trường. Amazon thường xử ép các nhà phát triển phần mềm mã nguồn mở có sản phẩm chia sẻ miễn phí.
Facebook: Báo cáo khẳng định vị thế độc quyền của Facebook đã bén rễ ăn sâu và công ty này thường đập tan các đối thủ cạnh tranh bằng con đường mua lại hay bắt chước trắng trợn. Điểm đặc biệt là Facebook quá lớn nên cạnh tranh nhiều nhất là từ các công ty bên trong Facebook như Instagram do Facebook sở hữu đang lớn mạnh nhanh đến nỗi nó có khả năng đuổi kịp mức độ phổ biến chẳng kém gì Facebook. Vì thế lãnh đạo công ty tìm mọi cách ngăn không để điều này xảy ra. Bởi vắng bóng cạnh tranh nên sự riêng tư của người dùng bị xói mòn trong khi nội dung sai lạc và độc hại lại lan tỏa khắp mọi ngóc ngách của nền tảng này.
Không dễ hạ bệ các đại công ty
Ngay sau khi Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện, Google lập tức phản đối. “Vụ kiện rất sai lầm. Mọi người sử dụng Google vì họ lựa chọn như vậy, chứ không phải họ bị ép hay vì họ không thể tìm được công cụ thay thế”, Giám đốc pháp lý Kent Walker của Google viết trong một bài blog. Ông này cũng nêu quan điểm: Việc Google trả tiền để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên nhiều smartphone như iPhone là không khác gì so với việc mà các công ty khác vẫn làm để quảng bá sản phẩm của họ. “Đây giống như một thương hiệu ngũ cốc trả tiền cho một siêu thị để siêu thị xếp sản phẩm của thương hiệu đó ở cuối dãy, hoặc trên kệ ngang tầm mắt”, Kent Walker viết.
Nói gì thì nói, khi Chính phủ Mỹ đã kiện thì người cấu trúc của người khổng lồ có khả năng phải thay đổi để tránh bớt rắc rối. Khả năng là Google phải chia công ty, trong đó có thể sẽ phải bán đi Chrome, một trong những trình duyệt web phổ biến nhất thế giới hiện nay.
Chưa biết Google sẽ phải thay đổi như thế nào nhưng thực tế toàn cầu cho thấy người khổng lồ này đã quá lớn và dường như chữ google đã mang nghĩa “tìm kiếm trên Internet” trên phạm vi toàn cầu. Mọi người đã quá quen với việc sử dụng Google, và có lẽ sẽ không màng đến việc sử dụng một công cụ tìm kiếm khác.
Trước vụ kiện của Mỹ, các nước châu Âu đã đi đầu trong nỗ lực hạn chế bớt sức mạnh của Google. Liên minh châu Âu (EU) đã áp các khoản phạt với tổng trị giá hơn 9 tỷ USD lên Google và buộc công ty này phải cho phép người dùng được lựa chọn trình duyệt web và công cụ tìm kiếm.
Nhưng các biện pháp này có vẻ không mang lại kết quả như EU mong muốn: Google vẫn chiếm khoảng 93% thị trường tìm kiếm ở châu Âu ở thời điểm tháng 9/2020, theo dữ liệu của StatCounter.
“Châu Âu chắc chắn là người đi đầu trong việc nhằm vào Google, và họ đã làm tốt việc điều tra và kiện tụng. Việc họ chưa làm được là phương thức giải quyết”, đây là nhận định của chuyên gia Sally Hubbard thuộc Open Markets Institute.
Cũng có người cho rằng Google đã quá lớn nên các nước khó thắng được họ. Chuyên gia Charlotte Slaiman thuộc Public Knowledge nêu ý kiến: “Xét tới vị thế mà Google đang có hiện nay, nhiều người dùng có thể chỉ tiếp tục dùng Google và các nhà sản xuất điện thoại vẫn cứ hành động như cũ mà thôi”.
Theo nhận định của những nhà quan sát tình hình, sau Google, Bộ Tư pháp Mỹ hoàn toàn có thể tiến hành các vụ kiện với quy mô tương tự nhằm vào các đại gia công nghệ Mỹ khác. Và đến nay, Facebook cũng đang bị Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra hơn 1 năm.
Các chuyên gia cho rằng rằng vụ kiện Microsoft đã mở đường cho những sáng tạo mới, từ đó dẫn đến sự nổi lên của Google và thống trị của nó về sau.
Từ khi doanh nhân Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, ông đã nhiều lần chỉ trích các đại công ty công nghệ Mỹ. Ông cáo buộc Facebook, Google và Twitter cố tình kiểm duyệt một cách có hệ thống những nội dung bảo thủ. Các nền tảng này phủ nhận cáo buộc đó của ông Trump và giới chuyên gia cũng không tìm được bằng chứng. Năm ngoái, ông Trump công khai quan điểm: “Chúng tôi nên kiện Google và Facebook. Có lẽ chúng tôi sẽ làm vậy”.
Cũng có lẽ cả thế giới vẫn đang quan sát vụ kiện Google của Chính phủ Mỹ hiện nay.
Trước vụ Google, vụ kiện độc quyền lớn nhất trong ngành công nghệ thế giới là vụ Chính phủ Mỹ kiện tập đoàn Microsoft năm 1998. Trong đó, Microsoft bị cáo buộc phạm luật gắn trình duyệt Internet Explorer lên tất cả các bản của hệ điều hành Windows, một hành động bị cho là cản trở cạnh tranh trên thị trường trình duyệt. Vài năm sau đó, Microsoft và Chính phủ Mỹ đạt một thỏa thuận: Có những hạn chế đặt ra đối với mảng phần mềm của Microsoft.