Những hy vọng mong manh của Huawei đã bị dập tắt khi chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục chính sách cứng rắn với ông lớn công nghệ của Trung Quốc. Trước đây, nhiều lần chính quyền Mỹ đã tỏ thái độ không quá chào đón những doanh nghiệp Trung Quốc.
Động thái từ Chính quyền Biden
Thông tin được hãng tin Reuters tiết lộ cho biết Chính quyền Tổng thống Biden đã tiến hành điều chỉnh giấy phép đối với các công ty Mỹ bán các sản phẩm linh kiện cho Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc theo hướng siết chặt hơn nữa các quy định. Cụ thể hơn là chính quyền Biden giáng đòn lên Huawei một cách trực tiếp.
Cụ thể, các sản phẩm “không được sử dụng” hoặc “không ở trong bất kỳ thiết bị 5G nào” của Mỹ cũng bị cấm bán cho Huawei. Nói cách khác, mặt hàng đó sẽ bị cấm bán cho Huawei ngay cả khi nó không liên quan gì đến hoạt động của 5G trong thiết bị điện tử đó.
Ngoài ra, một giấy phép khác cũng cấm không được sử dụng trong quân sự, 5G, cơ sở hạ tầng quan trọng, trung tâm dữ liệu doanh nghiệp, ứng dụng đám mây hoặc vũ trụ. Hiện tại, Huawei đang nhanh chóng ‘kiệt sức’ vì lệnh trừng phạt của Mỹ.
Sự xuất hiện của nhà sáng lập Huawei
Trước đó, vào hồi đầu tháng 2 vừa qua, Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi bất ngờ xuất hiện trước báo giới sau một năm “mất dấu” với lời kêu gọi thiết lập lại mối quan hệ với chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden vốn đã bị sứt mẻ nhiều sau hàng loạt trừng phạt mà hãng này phải chịu dưới thời ông Trump.
Huawei dưới thời Trump
Dưới thời Trump, Mỹ đã thắt chặt các hạn chế thương mại đối với Huawei, làm hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc với các nhà cung cấp tại Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung, bao gồm cả nhà cung cấp chủ lực TSMC. Việc thiếu nguồn cung chip trầm trọng đã buộc Huawei bán bớt thương hiệu smartphone giá rẻ Honor vào tháng 11/2020 và hướng tới giảm một nửa sản lượng sản xuất trong năm nay.
Ảnh hưởng trực tiếp
TSMC là nhà sản xuất bộ vi xử lý di động Kirin 9000 hỗ trợ mạng 5G của Huawei, nhưng lệnh cấm từ chính quyền Trump đã làm ngừng hoàn toàn các lô hàng chip này từ tháng 9 năm ngoái. Huawei được cho là đã dự trữ khoảng 20 triệu chipset Kirin 9000 5G trước khi mất quyền truy cập vào chuỗi cung ứng chip với TSMC, theo Nikkei. Trừ khi chính quyền Biden nới lỏng các hạn chế này, nếu không chipset Kirin 5G dùng trong hầu hết các dòng smartphone cao cấp của Huawei sẽ “cạn kiệt”.
Huawei phát triển hệ điều hành Harmony OS
Lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ cũng cắt đứt quyền truy cập của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vào hệ điều hành Google Android, buộc Huawei phải phát triển hệ điều hành của riêng mình mang tên HarmonyOS. Bắt đầu từ tháng 4/2021, dòng smartphone mới nhất là Huawei Mate X2 – cùng với các dòng smartphone hiện có của hãng sẽ được cập nhật để chạy trên hệ điều hành HarmonyOS, theo một tuyên bố của Huawei hồi đầu tuần này.
Việc phát triển hệ điều hành riêng cho mình là điều mà Huawei cần phải làm. Tuy nhiên những điều mà Huawei cần làm cần nhiều hơn để có thể cân bằng thiệt hại một cách tốt nhất. Vì vậy lúc này, ‘nghẹt thở’ vì bị Mỹ cấm vận, Huawei chuyển hướng sang sản xuất ô tô điện.
Theo dõi nhiều hơn các bài viết về điện thoại di động và thông tin công nghệ về các hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới ở Premium Reviews bạn nhé!