Con trai của chủ tịch Samsung thực ra đã nắm thực quyền quản lý tập đoàn được 6 năm, thế nhưng người ta chưa nhìn thấy được sự đột phá của Samsung dưới thời ông, theo WSJ nhận định.
Dưới thời của Chủ tịch Lee Kun-hee, tập đoàn Samsung Electronics, đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới với sản phẩm tivi màn hình phẳng và điện thoại thông minh.
HAI THẾ HỆ LÃNH ĐẠO SAMSUNG THỜI KỲ HÀN QUỐC GIAN KHÓ
Thế nhưng, đến ngày Chủ Nhật vừa rồi, chương hoạt động của Samsung Electronics dưới thời chủ tịch Lee Kun-hee đã chính thức khép lại khi chủ tịch qua đời. Ông thực ra đã phải nằm viện nhiều năm sau khi bị đột quỵ vào năm 2014. Ông Lee Kun-hee đã giữ vị trí chủ tịch tập đoàn cho đến lúc qua đời, con trai ông đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch.
Giờ đây, con trai ông, ông Lee Jae-yong, người đã đảm nhiệm thực quyền quản lý Samsung từ năm 2014, chính thức lên nắm giữ vị trí chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics ở một thời điểm rất khác biệt của ngành công nghệ thế giới, và thời điểm này Samsung cũng rất khác so với trước đây khi cha của ông lên đảm nhiệm vị trí này. Samsung hiện đang trong trạng thái “phòng thủ” và chật vật để phát triển.
Dưới thời của cựu chủ tịch mới qua đời, Samsung đã thống trị công nghệ phần cứng. Tuy nhiên, trọng tâm của ngành công nghệ thế giới đã thay đổi từ sản phẩm sang những phần mềm kiểm soát chúng, từ trí tuệ nhân tạo sang ứng dụng hay dữ liệu người dùng.
Trong vòng 6 năm qua, không giống như Apple, Samsung đã không thể tạo ra được phần mềm hay dịch vụ đủ để người tiêu dùng luôn trung thành với sản phẩm của hãng. Dù vậy, Samsung cũng đã rất thành công khi sản xuất ra được vô cùng nhiều loại linh kiện điện tử quan trọng trên thế giới, thậm chí sản xuất luôn cả những thiết bị sử dụng để lắp ráp chúng. Có thể kể đến một số dòng sản phẩm nổi bật nhất của Samsung bao gồm màn hình điện thoại cho đến hệ thống dữ liệu máy tính.
Dưới sự lãnh đạo của Lee Jae-yong, Samsung chật vật cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất được nhiều sản phẩm gần tương đương với Samsung về tính năng và vô cùng cạnh tranh về giá cả. Trong khi đó, Amazon và Alphabet với nhiều kinh nghiệm làm dịch vụ hơn Samsung cũng đã tung ra sản phẩm loa gia đình hoặc điện thoại thông minh của riêng mình.
Vị chủ tịch mới qua đời của Samsung, ông Lee Kun-hee, được biết đến như một người luôn hối thúc các quản lý của ông “thay đổi mọi thứ chỉ ngoại trừ vợ và con bạn”. Năm 1974, ông đã rất quyết tâm với mục tiêu thâm nhập mạnh mẽ vào mảng bán dẫn đến nỗi mà ông lấy tiền cá nhân để mua 50% cổ phần tại công ty bán dẫn Korea Semiconductor.
Ban đầu, cha của ông Lee Kun-hee đồng thời là nhà sáng lập Samsung, ông Lee Byung-chull, không đồng ý với kế hoạch của ông, tuy nhiên sau đó ông đã bị thuyết phục. Quyết định của ông Lee Kun-hee khi ấy đã mang lại thay đổi cục diện cho Samsung. Thập niên 1990, Samsung Electronics đã vượt qua các đối thủ Nhật, giờ đây chip nhớ đang mang lại nguồn thu tài chính lớn nhất cho Samsung.
PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO CHƯA RÕ RÀNG, NỔI BẬT
Người thừa kế gia sản Samsung, ông Lee Jae-yong hay còn được gọi với cái tên Jay Y tại phương Tây, cho đến giờ chưa bộc lộ phong cách lãnh đạo nào rõ ràng. Ông có học vấn tốt, có thể nói tốt ba ngoại ngữ và tốt nghiệp đại học Harvard.
Cha và ông của ông đã lèo lái Samsung qua nhiều giai đoạn lịch sử khó khăn bao gồm thời kỳ Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật và sau này trong chiến tranh liên triều, động lực vượt qua khó khăn của họ cao hơn, theo phân tích của giáo sư ngành kinh doanh tại đại học Hàn Quốc ở Seoul, ông Mike Cho. Hiện chưa rõ mục tiêu và động lực của lãnh đạo thế hệ thứ 3 của tập đoàn Samsung là gì.
Ông Mike Cho nhận xét: “Jay Y được sinh ra trong một gia đình vốn đã giàu có và có nền tảng. Ông ấy được hưởng cách giáo dục khác”.
Ở hiện tại, không nhiều thứ sẽ thay đổi tại Samsung. Hiện tại Samsung hiện đang hoạt động đa ngành, từ kinh doanh hàng điện tử cho đến trang sức. Cũng giống như cha mình, ông Lee trao quyền quyết định các hoạt động hàng ngày tại Samsung Electronics cho 3 CEO của tập đoàn, tuy nhiên các quyết định lớn vẫn cần đến sự chấp thuận của ông.
Việc ông Lee Kun-hee chuyển giao lại cổ phiếu cho con trai và hai con gái của ông như thế nào hiện vẫn chưa được công bố. Giới chức Hàn Quốc tính toán rằng thuế thừa kế trong trường hợp này có thể lên đến 60%.
Ông Lee từng nói rằng ông dành đến 95% thời gian của mình để quản lý hoạt động của Samsung Electronics, bộ phận mang lại doanh thu nhiều nhất tập đoàn. Các em gái của ông Lee sẽ không tranh giành quyền kiểm soát Samsung Electronics tuy nhiên họ cũng có thể sẽ quản lý các mảng khác trong tập đoàn, theo lý giải của giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, ông Park Sang-in. Ông Park Sang-in có nhiều nghiên cứu về quá trình chuyển giao quyền lực tại các doanh nghiệp gia đình Hàn Quốc.
Samsung hiện là thương hiệu được định giá cao thứ 5 trên thế giới, theo tính toán của Interbrand. Giá trị thương hiệu của Samsung hiện chỉ đứng sau Apple, Amazon, Microsoft và Google.
NGỌC DIỆP