Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ an sinh xã hội từ các quy trình thủ công, dựa trên giấy tờ và trực tiếp sang các nền tảng trực tuyến và các dịch vụ kỹ thuật số an toàn theo thời gian thực. Đây là xu hướng được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới trong hơn một năm qua, và thực tế cũng cho thấy sự chuyển đổi đó của các tổ chức an sinh xã hội đã góp phần quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch…
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ an sinh xã hội từ các quy trình thủ công, dựa trên giấy tờ và trực tiếp sang các nền tảng trực tuyến và các dịch vụ kỹ thuật số an toàn theo thời gian thực. Đây là xu hướng được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới trong hơn một năm qua, và thực tế cũng cho thấy sự chuyển đổi đó của các tổ chức an sinh xã hội đã góp phần quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch…
Nếu nhìn lại quá trình trước đó, chúng ta có thể thấy đại dịch Covid-19 chính là “cú huých” có tác dụng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số nói chung hay trong lĩnh vực an sinh xã hội nói riêng đã được bắt đầu từ khá sớm, nhằm thích ứng cũng như đáp ứng với môi trường và những đòi hỏi ngày càng cao trong “thời đại số”.
Tại Việt Nam, dù “chuyển đổi số” là vấn đề mới, được xem là giải pháp nhằm tận dụng cơ hội phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng những nền tảng của nó đã được xây dựng từ cách nay nhiều năm, thông qua các tiến trình như tin học hóa, cải cách thủ tục hành chính… Riêng trong lĩnh vực an sinh xã hội mà trực tiếp là bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), vấn đề này cũng được chú trọng từ rất sớm, thể hiện qua một loạt “đầu việc” quan trọng như tích hợp các phần mềm nghiệp vụ; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 trên Cổng giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam cũng như trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; phối hợp ngân hàng tạo nên một hệ thống thanh toán điện tử hóa quá trình thu – chi, cung cấp những tiện ích để đa phương tiện cũng như đa kênh thanh toán cho người bệnh BHYT… Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm – một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia; đồng thời bảo đảm việc cập nhật khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia với các bộ, ngành, địa phương để cơ sở dữ liệu quan trọng này được chia sẻ, sử dụng để phục vụ người dân, bảo đảm an sinh xã hội… Bên cạnh đó, việc xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu suất công tác giám định BHYT, mà thông qua kết nối các cơ sở y tế còn thúc đẩy thay đổi quy trình khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế, mang lại những hiệu quả thiết thực cho người bệnh BHYT. Mới đây nhất, ngành BHXH đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID- Bảo hiểm xã hội số” trên hệ thống điện thoại thông minh. Thông qua sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số của ngành BHXH này, người dân, người lao động có thể trực tiếp theo dõi, giám sát việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và được cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích, có thể thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH tại bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào…
Bước sang năm 2021, BHXH Việt Nam xác định sẽ tiếp tục hoàn thiện việc tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, góp phần thực hiện mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số “Nộp thuế và BHXH”. Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của ngành và triển khai đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các tổ chức, đơn vị liên quan. Đẩy mạnh thanh toán điện tử, phấn đấu đến hết năm có 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị…
Có thể nói, đây là những bước đi tích cực của ngành BHXH Việt Nam trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như hiện thực hóa tiến trình chuyển đổi số của ngành BHXH.