Cổ phiếu ASG giảm sàn phiên 5/10 sau 6 phiên tăng trần liên tục từ khi lên sàn. ASG là công ty cung cấp dịch vụ hàng hóa hàng không với khách hàng chính là Samsung Thái Nguyên.
Thị trường chứng khoán trong nước hôm nay tăng điểm trở lại sau phiên đi xuống cuối tuần trước. VN-Index chạm mốc 915 điểm sau khi tăng 0,5%. Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện với số lượng 304 cổ phiếu tăng giá so với 120 mã giảm trên sàn HoSE.
Trong ngày thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, cổ phiếu tăng “nóng” nhất trong tuần trước là ASG lại giảm hết biên độ 7%.
Công ty Cổ phần Tập đoàn ASG với lĩnh vực kinh doanh chính là dịch vụ hàng hóa hàng không bắt đầu niêm yết trên HoSE vào phiên 24/9 với giá tham chiếu 30.000 đồng và tăng kịch trần 20% trong ngày giao dịch đầu tiên.
Sau đó, ASG tăng hết biên độ trong 6 phiên tiếp theo lên thị giá 53.800 đồng/cổ phiếu. Nếu mua vào cổ phiếu ASG trong ngày chào sàn, nhà đầu tư sẽ thu về lợi nhuận 50% chỉ sau hơn 1 tuần giao dịch. Tuy nhiên, trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư, chuỗi ngày thăng hoa của ASG kết thúc hôm nay khi mã này bị kéo xuống mức giá sàn 50.100 đồng/cổ phiếu.
Sống khỏe nhờ Samsung
Tập đoàn ASG thành lập vào năm 2010 với tên gọi ban đầu Công ty Dịch vụ Bưu chính Interserco – IPX trước khi đổi tên vào năm 2012. Hai mảng hoạt động chính của ASG gồm dịch vụ hàng hóa hàng không ở sân bay Nội Bài (kho bãi, vận tải) và dịch vụ hành khách ở sân bay Cam Ranh (bốc dỡ mặt đất, bán hàng ở sân bay).
Vốn điều lệ hiện tại của ASG là 630 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có cơ cấu cổ đông rất loãng. ASG có 2 cổ đông lớn là tổ chức với tổng tỷ lệ sở hữu 15,4% vốn điều lệ. Các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ tới 71% cổ phần ASG. Các thành viên ban lãnh đạo chỉ kiểm soát 2,8% cổ phần công ty.
Theo báo cáo phân tích của SSI Research, ASG khác biệt với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà kho và vận tải khác nhờ sở hữu và vận hành kho hàng không kéo dài ở Thái Nguyên (cách Hà Nội 60km). Đây là vị trí chiến lược giúp ASG trở thành nhà cung cấp dịch vụ được nhà máy Samsung Thái Nguyên lựa chọn.
Kho hàng tại Thái Nguyên cho phép ASG cung cấp giải pháp logistic cho Samsung và các doanh nghiệp sản xuất FDI khác, cụ thể là nhận, gửi hàng hóa và làm thủ tục hải quan ngay trong cơ sở sản xuất. Điều này thuận tiện hơn so với phương án làm thủ tục tại sân bay Nội Bài, vốn không thuận tiện cho việc nhận hàng và thông quan vào buổi tối.
Năm 2019, doanh thu của ASG đạt 887 tỷ đồng, tăng tới 37% so với năm trước. Trong đó, mảng dịch vụ hàng hóa hàng không đóng góp gần 380 tỷ đồng, là hoạt động chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất của công ty. Khách hàng lớn nhất của ASG là Samsung đem về khoảng 60% doanh số trong mảng dịch vụ hàng hóa.
Lợi thế nhờ rào cản gia nhập ngành
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ASG đặt mục tiêu doanh thu 775 tỷ trong năm nay, giảm 12%. Kế hoạch lợi nhuận cũng thấp hơn 33% so với năm 2019, ước đạt 105 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, ASG thu về 343 tỷ và có lãi ròng 33 tỷ đồng.
Trong năm 2021 với kịch bản dịch Covid-19 đã được kiểm soát, ASG dự báo doanh thu, lợi nhuận có thể tăng trưởng từ 30% trở lên.
Theo SSI Research, ngành vận chuyển hàng hóa hàng không ngoài sân bay có rào cản gia nhập cao vì các giới hạn về quy định. Điều này đồng nghĩa là sản lượng của ASG có thể được duy trì ổn định trong các năm tới vì các công ty mới khó gia nhập thị trường.
Công ty này cũng vừa hoàn thành nhà kho mới ở khu vực sân bay Nội Bài. Dự án này đang đợi được Cục Hàng không cấp giấy phép hoạt động, dự kiến có thể vận hành trong năm tới. Đây cũng là một động lực tăng trưởng trong ngắn hạn với ASG.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của SSI Research cho biết triển vọng tăng trưởng của ngành dịch vụ hàng hóa chỉ ở mức một con số. Nguyên nhân là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thoại di động của Samsung rất hạn chế.
Do đó, ASG có kế hoạch mở rộng hai mảng kinh doanh mới gồm trung tâm phân phối và phát triển khu công nghiệp. Hai mảng này dự kiến được đầu tư, đi vào hoạt động vào năm 2021-2022 nhưng chưa có thông tin chi tiết.