Đau đáu với nông nghiệp sạch, anh Phan Văn Bình quyết định thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (Sóc Sơn, Hà Nội) để trồng rau sạch cung cấp cho bà con, góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, dần dần loại trừ thực phẩm bẩn ra khỏi cuộc sống.
Những năm trở lại đây, thực phẩm bẩn đang nổi lên và trở thành vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội. Chính vì vậy, thay vì lựa chọn những mặt hàng mua tại chợ truyền thống, tại các gánh hàng rong, người tiêu dùng đã hướng đến các dòng sản phẩm an toàn. Đón bắt tâm lý này, không ít mô hình dưa lưới áp dụng công nghệ cao đã ra đời, không những mang lại năng suất gấp 4-5 lần so với phương thức truyền thống mà mẫu mã bắt mắt hơn và giá cũng “xắt ra miếng”.
Tiêu chí đất sạch, nước sạch, “tâm sạch”
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong ở người mắc ung thư cao hàng đầu châu Á mà nguyên nhân tác động trực tiếp là do thực phẩm. Do đó, người tiêu dùng trở nên hoang mang và nghi ngờ, lo ngại từng bó rau, miếng thịt đang chứa “mầm bệnh”, đe dọa sức khỏe con người mỗi ngày.
Đau đáu với nông nghiệp sạch, anh Phan Văn Bình quyết định thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (Sóc Sơn, Hà Nội) để trồng rau sạch cung cấp cho bà con, góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, dần dần loại trừ thực phẩm bẩn ra khỏi cuộc sống.
Anh Bình cho rằng, nông nghiệp sạch mới khiến người dân mạnh khỏe, do đó bên cạnh tiêu chí đất sạch, nước sạch, “tâm sạch” là yếu tố quan trọng nhất.
Có lẽ vì vậy mà anh Bình đã lựa chọn một con đường dài hơi, chưa tính đến lợi nhuận, tập trung cải tạo đất đồi, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Cụ thể, quy trình canh tác 5 không đã được thực hiện gồm: Không phun thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi gen.
Ngoài trồng dưa lưới và măng tây, hợp tác xã còn trồng đa dạng các loại rau củ theo mùa, có giá trị kinh tế cao như: củ cải đỏ, cải bắp tím, cải xoăn…
Khởi nghiệp ở độ tuổi ngoài 50 nhưng anh Bình luôn hài lòng với những gì đang làm, anh cho rằng mình là người nông dân hạnh phúc khi có thể mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch và nhen nhóm ước mơ làm nông nghiệp công nghệ cao của những người dân vùng nông thôn.
Với vốn kiến thức và kinh nghiệm, anh Bình cùng những người đồng hành xây dựng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao, trang trại rau hữu cơ để hiện thực hóa giấc mơ về trang trại nông sản hữu cơ của người Việt, do người Việt làm chủ.
Để làm được điều này, anh Bình đã đi nhiều, mục sở thị nhiều mô hình nông nghiệp thông minh tại các tỉnh trên cả nước, đồng thời tìm hiểu qua sách báo, ti vi… Tất cả những gì thấy được khiến anh choáng ngợp, thôi thúc đam mê.
Viết tiếp câu chuyện “nông dân mới”
Gọi những thành viên trong Hợp tác xã Quyết Tiến là “nông dân mới” quả không ngoa bởi họ không chỉ canh tác hữu cơ bảo vệ môi trường mà còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để trí tuệ nhân tạo giúp thực hiện các công việc nặng nhọc.
Theo anh Bình, chi phí đầu tư cho hệ thống nhà màng và công nghệ khá lớn nhưng đem lại hiệu quả cao, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng đáng kể. Hiện nay, các khâu chăm sóc dưa lưới được tự động hóa từ 70 – 80%.
Cụ thể, nhà vườn lắp đặt hệ thống cảm biến nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm đất để theo dõi, cập nhật các thông số và nắm bắt kịp thời những thay đổi thời tiết, khí hậu để có phương án chăm sóc kịp thời. Hơn nữa, nhà màng cũng được trang bị thêm hệ thống quạt thông gió, phun sương nhằm duy trì nhiệt độ lý tưởng trồng dưa ở mức từ 22 – 35 độ C.
Đặc biệt, anh lắp đặt hệ thống tưới thông minh “3 trong 1” với các chức năng phun thuốc, tưới nước và tưới phân bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Phân bón được hòa vào nước thành dung dịch dinh dưỡng tưới cây.
Bên cạnh đó, nước tưới thông thường sẽ được lọc qua nhiều bể lọc, nước sạch có thể uống ngay, độ pH ổn định từ 6 -7, không mặn, không phèn, đảm bảo các tiêu chuẩn GlobalGAP.
Đáng lưu ý, phương pháp canh tác trong nhà kính có nhiều ưu điểm vượt trội bởi mật độ cây trồng cao hơn 2 – 3 lần, giảm thiểu tác động bất lợi từ tự nhiên, sâu bệnh. Đồng thời, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí sản xuất. Trong thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục đầu tư nhiều công nghệ hiện đại, ví dụ như một số phần mềm quản lý quy trình trồng online, tự động.
Anh Phan Văn Bình giải thích thêm, hiện nay các kỹ sư vẫn nhập số liệu thủ công nhưng với phần mềm điều khiển tự động bởi app trên điện thoại di động, ngày giờ, lưu lượng tưới phân, nước sẽ được lập trình sẵn, cứ đến giờ hệ thống sẽ tự động cho cây “ăn”. Với cách làm này, dù ở nhà hay đi bất cứ đâu các kỹ sư vẫn có thể chăm sóc vườn dưa chu đáo, đúng giờ theo lịch đã cài đặt sẵn. Đặc biệt, bước vào vườn dưa chín của anh Bình tỏa ra mùi thơm man mác, ngọt mát, khác hẳn với các nhà vườn khác.
Lý giải về sự khác biệt này, chị Nguyễn Thị Trang, kỹ sư nông nghiệp tiết lộ: “Chúng tôi coi mỗi cây dưa lưới như những đứa con tinh thần của mình. Mùa đông cho dưa “ăn” 1-2 lần/ngày, mùa hè thì 4-5 lần/ngày, khẩu phần ăn thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của cây.
Đặc biệt, theo chị Nguyễn Thị Trang trước khi thu hoạch khoảng 1 tháng, các kỹ sư đã cho dưa “uống” sữa tươi ủ với rỉ mật nên quả dưa có mùi thơm và vị ngọt thanh khác biệt so với các nhà vườn khác.
Nhờ đầu tư hệ thống nhà lưới kết hợp với sản xuất theo hướng hữu cơ, hoạt động sản xuất của hợp tác xã thuận lợi hơn rất nhiều do không còn quá phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, sản phẩm nông sản sạch bán “đắt như tôm tươi”.
Mỗi năm nông trại của anh Phan Văn Bình sản xuất 3 vụ dưa, mỗi vụ cho sản lượng trung bình 15-20 tấn, giá bán khoảng 50.000 đồng/kg. Người nông dân gieo quả ngọt và hái tiền tỷ, chỉ 2-3 năm có thể bù lại chi phí đầu tư ban đầu.
Nhận định từ các chuyên gia, trong những thập kỷ mới hoàn toàn có thể tin rằng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường sẽ ngày càng được lan tỏa và nhân rộng. Tương lai không xa, người nông dân Việt Nam sẽ không còn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, họ sẽ cầm smartphone, kích hoạt máy móc để công nghệ thay mình làm vườn.
Hơn nữa, trong thời đại công nghệ số những người “nông dân mới” sẽ biết thay đổi để thích ứng với xu hướng của thế giới, người dân từ thành thị đến nông thôn đều được sử dụng thực phẩm sạch. Đặc biệt, với nền nông nghiệp “khỏe mạnh”, nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin cạnh tranh trên thị trường thế giới.