Dù nét chữ còn nguệch ngoạc, trình bày cũng chưa được đẹp mắt nhưng bức ‘tâm thư’ của cậu bé học lớp 3 đã khiến nhiều người cười sái quai hàm.
Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ câu chuyện hết sức dễ thương của một bé trai học lớp 3 bị mẹ cấm sử dụng tivi, iPad và smartphone.
Cụ thể, chủ nhân bài đăng cho biết tác giả bức thư chính là cháu họ của mình. Mọi việc xuất phát từ việc bé dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử đến mức không chịu ăn cơm, học hành nên phụ huynh không còn cách nào khác là phải sử dụng “thiết quân luật”.
Trước khi chấp hành yêu cầu của cha mẹ, cậu bé đã viết một bức tâm thư gửi đến những “người bạn đặc biệt” với nội dung: “Hừm, chắc có lẽ từ nay mình sẽ không được gặp tivi, iPad hay điện thoại nữa vì mẹ mình đã cấm rồi. Nhưng mình vẫn sẽ gặp các bạn trong mơ và không ngại mở lên xem. Tên các bạn sẽ mãi được giữ gìn trong ký ức của mình và những tháng ngày bên nhau. Tạm biệt nhé”.
Bức thư thú vị lập tức nhận được sự quan tâm lớn của cư dân mạng. Bên cạnh bày tỏ thái độ thích thú, nhiều người cũng rất bất ngờ khi trẻ lớp 3 lại có thể nghĩ ra những câu nói ngôn tình, mùi mẫn như vậy.
“Đọc thư mà vừa thấy buồn cười vừa thấy dễ thương”, “Còn bé mà viết thư cảm xúc dễ sợ”, “Cậu này chắc học giỏi môn Văn lắm nè”, “Không tính đến chính tả và gạch xóa thì cậu bé viết văn rất tốt so với lứa tuổi lớp 3″ ,“Bố mẹ đọc được chắc phải phì cười. Đúng là trẻ con, lúc nào cũng đáng yêu cả”,… một số người để lại bình luận.
Tuy nhiên phần đa ý kiến tán thành với quyết định của bà mẹ đồng thời cho rằng phụ huynh chỉ nên cho con cái tiếp xúc với thiết bị thông minh trong thời gian cho phép và có sự quản lý về nội dung.
Quả thực, việc để trẻ thường xuyên sử dụng iPad, smartphone, … không tốt chút nào. Bé sẽ ở nhà nhiều hơn ra ngoài dẫn đến dần trở nên thụ động, thiếu cởi mở, hòa đồng. Chưa kể, những nội dung không lành mạnh trên mạng có thể khiến trẻ suy nghĩ lệch lạc và có những hành động đáng tiếc.
Do đó thay vì phó mặc con cái cho các thiết bị vô tri vô giác, bố mẹ nên chủ động gần gũi, trò chuyện với con nhiều hơn. Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn là cơ hội để gắn kết tình cảm gia đình, giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương và cởi mở bày tỏ tình cảm đối với mọi người.
Minh Hoa (t/h)