Apple trả 113 triệu USD dàn xếp cuộc điều tra của 34 bang và Quận Columbia, vì hành vi làm chậm iPhone cũ khi pin bắt đầu xuống cấp.
Đầu năm 2017, người dùng iPhone phàn nàn thiết bị của họ bị sập và khởi động lại sau khi thực hiện những tác vụ phức tạp. Nguyên nhân thật sự là pin trên các máy này quá yếu và Apple cho rằng, khi “bóp” CPU, pin có thể hoạt động tốt hơn. Vì vậy, “táo khuyết” tung ra iOS 10.2.1 kèm theo tính năng “bóp” CPU mà người dùng không hề hay biết. Sự việc khi bị phát giác được cộng đồng đặt tên #batterygate.
Apple đã phải xin lỗi công khai vào tháng 12/2017. CEO Tim Cook cho biết, Apple chưa từng làm gì để rút ngắn vòng đời sản phẩm và bồi thường 50 USD hoặc giảm 63% chi phí thay pin cho dòng iPhone 6, 6s và iPhone SE. Như vậy, giá thay pin chỉ còn 29 USD nhưng khách hàng gần như không thể đặt lịch hẹn tại Genius Bar trong Apple Store. Apple ước tính chỉ phải thay từ 1 tới 2 triệu pin iPhone song con số cuối cùng lên tới gần 11 triệu trong năm 2018.
#batterygate cũng dẫn tới vụ kiện tập thể chống lại Apple. Để dàn xếp, nhà sản xuất iPhone đề nghị trả 25 USD cho mỗi người dùng iPhone bị ảnh hưởng và từ 1.500 tới 3.500 USD cho mỗi nguyên đơn có tên trong vụ kiện, khoảng 90 triệu USD cho các luật sư. Tháng 12 tới, một phiên điều trần sẽ được tổ chức để chốt số tiền thỏa thuận.
Luật sư bang Arizona Mark Brnovich, một trong những người dẫn dắt cuộc điều tra, cho rằng, đã đến lúc các hãng công nghệ lớn phải dừng việc thao túng người dùng và công khai toàn bộ sự thật về hành vi và sản phẩm của họ. Ông kiên quyết buộc những doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm nếu che giấu sự thật với người dùng. Apple sẽ trả cho Arizona 5 triệu USD, số còn lại được chia cho các bang khác.
Dù đồng ý dàn xếp cuộc điều tra, trong hồ sơ tòa án, Apple vẫn không nhận mình đã làm sai hay phạm luật. Công ty đồng ý trong 3 năm tới sẽ cung cấp “thông tin trung thực” về việc quản lý năng lượng iPhone trên website, ghi chú cập nhật phần mềm và cài đặt iPhone.
Vụ dàn xếp cần được tòa án phê duyệt.
Du Lam (Theo Cnet)