Cơ quan môi trường của Anh cho rằng, Apple đã đóng góp vào ‘văn hóa vứt bỏ’ các sản phẩm vòng đời ngắn.
Theo báo cáo vừa được Ủy ban Kiểm toán môi trường Quốc hội Anh công bố, các hãng công nghệ như Apple đang góp phần khiến tình trạng rác thải điện tử trở nên nghiêm trọng hơn. Ủy ban kết luận như vậy vì sản phẩm của Apple khó sửa và tính phí sửa đắt đỏ.
Ủy ban viết: “Chúng tôi được thông báo rằng, Apple dán và hàn các bộ phận với nhau trên laptop của họ, khiến việc sửa rất khó khăn. Họ cũng thu tiền sửa chữa rất cao. Xu hướng này, đi ngược lại với lịch sử kỹ thuật tại Anh, cần phải dừng lại”.
Trong tuyên bố gửi The Guardian, Apple cho biết, họ “bất ngờ” và “thất vọng” với báo cáo của ủy ban, vì công ty luôn cam kết bảo vệ môi trường. Nhà sản xuất iPhone khẳng định, báo cáo không phản ánh đúng nỗ lực của hãng trong bảo tồn tài nguyên và bảo vệ trái đất. Khách hàng có nhiều lựa chọn như đổi mới lấy cũ, tái chế, sửa chữa hơn so với trước đó. Ngoài ra, các dòng iPhone, iPad, Apple Watch mới nhất đều dùng vật liệu tái chế.
Apple nhắc tới nhiều nỗ lực vì môi trường trong thư gửi ủy ban hồi tháng 9, trong đó có tăng cường sử dụng vật liệu tái chế, hay vận hành bằng 100% năng lượng tái tạo.
Theo ủy ban, mô hình kinh doanh thiết bị điện tử hiện nay “phụ thuộc vào sản phẩm vòng đời ngắn, văn hóa vứt bỏ và tiêu thụ liên tục”. Ủy ban kêu gọi các hãng công nghệ “đi đầu trong việc tạo ra mô hình kinh doanh thân thiện môi trường, bền vững, không dựa vào khai thác tự nhiên”.
Du Lam (Theo MacRumors)