Android vẫn giữ vững vị trí hệ điều hành lớn nhất thế giới với 74,4%. Còn tại thị trường di động Việt Nam, Android đang chiếm ưu thế hơn với hơn 60% thị phần.
- Đọ cấu hình iPhone 12 cùng các smartphone Android hàng đầu
- iPhone 12, iPhone 12 Pro yếu hơn hẳn smartphone Android về điểm AnTuTu
Theo báo cáo “Điện thoại và ứng dụng di động Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020” của Appota, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về tỷ lệ người sử dụng smartphone với khoảng 45% dân số trên cả nước. Thị trường smartphone Việt Nam có sự tham gia của rất nhiều thương hiệu cùng nhiều mức giá từ thấp đến cao khiến cho khả năng tiếp cận với smartphone ngày càng gia tăng, kể cả đối với nhóm khách hàng thu nhập thấp hay ở vùng nông thôn.
Smartphone có giá trung bình dễ dàng chiếm được thị trường
Với mức thu nhập bình quân tại Việt Nam chưa cao, đa phần là tầng lớp thu nhập trung bình và thấp nên các dòng smartphone có mức giá “vừa phải” sẽ dễ dàng chiếm được thị trường. Cũng theo báo cáo, phân khúc giá rẻ và tầm trung từ 3 – 10 triệu đồng là phân khúc có số lượng thiết bị được bán ra cao nhất, trong đó, Samsung và Oppo là hai thương hiệu lần lượt chiếm phần lớn thị phần điện thoại chính hãng.
Phân khúc cao cấp từ 10 triệu – 20 triệu đồng trở lên là phân khúc được chiếm lĩnh bởi Samsung và Apple. Tuy nhiên, doanh số chính hãng chỉ chiếm 5% thị trường, nếu xét cả các dòng iPhone xách tay cũng chỉ đạt dưới 10% số thiết bị sử dụng.
Như vậy, mức giá dưới 5 triệu đồng đang chiếm gần tới 70% thị phần thị trường smartphone tại Việt Nam. Có thể thấy, giá cả chính là yếu tố quyết định đến lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng và là điểm cần lưu ý đối với các thương hiệu điện thoại muốn thâu tóm thị trường trong nước.
Android chiếm ưu thế hơn iOS với hơn 60% thị phần
Android là hệ điều hành có mã nguồn mở dựa trên nền tảng Linux do chính Google phát hành. Do có mã nguồn mở cùng giấy phép của Google không có quá nhiều ràng buộc đã cho phép các nhà phát triển, lập trình viên điều chỉnh và phân phối Android một cách tự do nhất.
Theo số liệu năm 2020, Android vẫn giữ vững vị trí hệ điều hành lớn nhất thế giới với 74,4%. Còn tại thị trường di động Việt Nam, báo cáo của Appota chỉ ra rằng, Android đang chiếm ưu thế hơn với hơn 60% thị phần.
Đứng thứ hai là hệ điều hành iOS với 38,4% ở mảng thị trường di động. Do iOS là hệ điều hành được phát triển bởi Apple và phân phối độc quyền cho phần cứng của Apple, iOS cũng không hỗ trợ các ứng dụng từ các nhà phát triển thứ 3 nên việc thị trường bị giới hạn cũng là điều dễ hiểu.
Cũng theo báo cáo, nếu xét theo thị phần doanh số smartphone chính hãng thì trong quý I năm 2020, SamSung đang chiếm thị phần lớn nhất với 31,1%, Oppo chiếm 22,4% đứng thứ 2, đứng thứ 3 là Vinsmart với 16,7%. Như vậy, có thể thấy các hãng điện thoại có nhiều dòng máy phân khúc trung bình vẫn chiếm ưu thế hơn so với các dòng điện thoại cao cấp như Apple ở kênh bán hàng chính hãng.
Còn với thị phần smartphone theo thiết bị tính đến tháng 6/2020, Apple đang là thương hiệu được dùng nhiều nhất với 39%, bỏ xa Samsung và Oppo với tỷ lệ thị phần lần lượt là 28% và 11%.
Có thể thấy, sự khác nhau giữa các con số khi so sánh trên các tiêu chí khác nhau. Thực tế, đa phần điện thoại Apple tiêu thụ tại Việt Nam là các nguồn hàng xách tay hoặc máy không rõ nguồn gốc do Apple chưa có cửa hàng chính thức tại Việt Nam.
Trong tháng 10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, các sản phẩm điện thoại, máy tính “xách tay” được bày bán trên thị trường hiện nay đều được xếp vào dạng hàng hóa nhập lậu. Điều đó cũng có nghĩa, người bày bán các sản phẩm này đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tùy theo mức độ. Nghị định này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường và cơ hội đẩy mạnh doanh thu cho các thương hiệu smartphone chính hãng đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.