Dùng điện thoại trước khi ngủ, vừa sạc vừa dùng, thường xuyên tắt ứng dụng ngầm… là những sai lầm phổ biến có thể ảnh hưởng đến công năng của smartphone.
Sử dụng smartphone vốn đơn giản, nhưng dùng thế nào cho đúng cách lại phức tạp hơn nhiều. Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến khi sử dụng điện thoại.
Sử dụng điện thoại trước khi ngủ
Smartphone là vật bất ly thân nên không ít người vẫn dán mắt vào màn hình điện thoại ngay cả khi chuẩn bị chìm vào giấc ngủ. Một vài nghiên cứu cho thấy ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, bao gồm smartphone, có thể ức chế hormone điều tiết giấc ngủ trong cơ thể, từ đó gây ra tình trạng khó ngủ, mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng.
Không chỉ vậy, ánh sáng xanh còn là tác nhân gây suy giảm thị lực và khiến người dùng điện thoại bị đau đầu nếu tiếp xúc thường xuyên trong thời gian dài. Do đó, bạn nên hạn chế sử dụng điện thoại trước khi ngủ. Trong trường hợp bất khả kháng, bạn cần bật tính năng lọc ánh sáng xanh nếu tiếp xúc với màn hình smartphone vào ban đêm.
Vừa sạc pin vừa sử dụng máy
Vừa sạc pin vừa dùng smartphone gây ra tình trạng chai pin. Điều này hầu như ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng “kiêng khem” thành công.
Theo Fastcare – trung tâm chuyên sửa chữa điện thoại tại TP.HCM, phần lớn khách hàng thay pin điện thoại ở trung tâm đều có thói quen vừa sạc và sử dụng smartphone. Nếu thói quen này được lặp đi lặp lại với tần suất cao, dù thay pin mới, điện thoại vẫn có nguy cơ sớm chai pin trở lại.
Luôn sạc đầy 100% pin
Người dùng smartphone thường truyền tai nhau nguyên tắc cắm sạc từ 20% và rút sạc khi 100%. Tuy nhiên, nguyên tắc này gần như không còn phát huy tác dụng khi hầu hết smartphone hiện nay được trang bị pin lithium-ion.
Với loại pin này, bạn nên sạc pin cho máy thường xuyên hơn. Các chuyên gia cho biết pin lithium-ion hoạt động tốt nhất ở mức 60- 80%. Vì vậy, bạn không cần chờ pin sạc đầy 100% mới rút sạc. Bạn cũng có thể sạc pin bất cứ khi nào, miễn là không để máy gần cạn sạch pin mới bắt đầu cắm sạc.
Cài đặt các ứng dụng diệt virus
Trên máy tính, các phần mềm diệt virus hữu dụng bao nhiêu thì trên điện thoại, chúng lại kém hiệu quả bấy nhiêu. Người dùng smartphone, nhất là smartphone Android, thường tải về máy các ứng dụng diệt virus vì những lời giới thiệu hấp dẫn. Tuy nhiên, ngoài chiếm bộ nhớ, gây hao pin và chứa quảng cáo, các ứng dụng này không giúp ích nhiều trong việc bảo vệ dế yêu.
Với hệ điều hành Android, Google đã ngầm tích hợp khả năng phát hiện và ngăn chặn mã độc trên các phiên bản cập nhật phần mềm. Để bảo vệ dế yêu khỏi virus, những gì bạn cần chỉ là tránh xa các link, ứng dụng lạ, đồng thời khởi động máy và cập nhật phần mềm thường xuyên.
Tương tự, các ứng dụng dọn dẹp cũng không hữu ích như nhiều người lầm tưởng. Để xóa các tập tin rác và tối ưu hóa điện thoại, bạn chỉ cần tối ưu tính năng được trang bị sẵn trên máy.
Thường xuyên tắt các ứng dụng chạy ngầm
Nhiều người cho rằng việc tắt các ứng dụng chạy ngầm sẽ khiến smartphone chạy mượt hơn, nhưng các chuyên gia lại chứng minh điều ngược lại.
Cả Apple và Android đều từng tuyên bố hệ điều hành của họ đi kèm cơ chế đóng băng tự động các ứng dụng chạy ngầm, ngăn cản chúng sử dụng tài nguyên trên máy như bộ nhớ và pin. Vì vậy, thao tác tắt bỏ ứng dụng chạy ngầm của người dùng là không cần thiết. Thậm chí, việc tắt ứng dụng chạy ngầm còn khiến hệ thống phải khởi động lại ứng dụng, vô tình khiến thiết bị hao tốn nhiều pin hơn bình thường.