Đa số các hệ thống loa tích hợp trên tivi thông minh chỉ cho chất lượng âm thanh ở mức trung bình. Đó là lý do tại sao bạn nên mua soundbar.
Soundbar hay còn được gọi là loa thanh, một thiết bị giúp tái tạo và giả lập âm thanh, mang đến trải nghiệm chân thật và đa dạng hơn khi xem phim, nghe nhạc, bóng đá…
Soundbar có nhiều mức giá khác nhau và mục đích chính của thiết bị này là làm cho các nội dung trên tivi có âm thanh tốt hơn, do đó, đừng nhầm lẫn soundbar với loa thông thường. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý khi chọn mua soundbar cho tivi.
1. Soundbar khác với loa Bluetooth như thế nào?
Loa Bluetooth có kích thước tương đối nhỏ gọn, khả năng chống chịu thời tiết tốt, thời lượng sử dụng pin lâu và tính di động cao (có thể mang đi bất cứ đâu). Một số nhà sản xuất còn cho phép người dùng kết nối nhiều model loa Bluetooth cùng loại để tạo ra một hệ thống loa có âm thanh tốt hơn.
Trong khi đó, soundbar là dạng loa dài được đặt ngay bên dưới tivi, tính năng chính của thiết bị là giả lập và tái tạo lại nhiều dải âm thanh khác nhau, làm cho nội dung các cuộc trò chuyện trên tivi rõ ràng hơn (thậm chí kể cả khi diễn viên đang thì thầm).
2. Khi mua soundbar, hãy chọn kiểu có ít nhất 3 kênh
Nếu bạn thực sự đang xem xét đến việc đầu tư vào soundbar thì hãy chọn kiểu có ít nhất 3 kênh. Vậy, kênh là gì? Đây có thể được coi là một nguồn âm thanh hoặc giống như các loa riêng biệt.
Soundbar 2 kênh cung cấp hai loa, một loa bên trái và một loa bên phải, tương tự, phiên bản 3 kênh sẽ có thêm một loa ở giữa. Tất nhiên, nếu dư dả về tài chính, bạn hoàn toàn có thể chọn các mẫu soundbar sử dụng công nghệ âm thanh Dolby Atmos có 5-7 kênh (những loại có số hiệu 5.1.2 hoặc 7.1.2).
3. Nên chọn mua soundbar chủ động hay thụ động?
Có hai loại soundbar, chủ động và thụ động. Những mẫu soundbar thụ động không có bộ khuếch đại công suất bên trong và cần một bộ thu riêng.
Các mẫu loa thụ động thường đắt hơn nhưng cho chất lượng âm thanh tốt hơn. Nếu bạn muốn tùy chỉnh nhiều thứ, các mẫu soundbar thụ động sẽ là sự lựa chọn thích hợp.
Ngược lại, nếu bạn muốn một thiết bị nhỏ gọn, có đầy đủ các thành phần cần thiết bên trong (bộ khuếch đại, bộ xử lý kênh…), hãy chọn soundbar chủ động.
4. Đầy đủ các cổng kết nối tiêu chuẩn
Các tùy chọn kết nối rất quan trọng, do đó hãy đảm bảo mẫu soundbar bạn đang muốn mua có đầy đủ kết nối như Bluetooth, HDMI ARC, USB và WiFi. Tất nhiên, soundbar không chỉ dành riêng cho tivi, bạn hoàn toàn có thể sử dụng điện thoại, máy tính bảng, máy tính… để kết nối với soundbar.
5. Tính toán không gian cần thiết để đặt soundbar
Để có được chất lượng âm thanh đầu ra tốt nhất, bạn hãy đặt soundbar ở vị trí trung tâm, bên dưới hoặc bên trên tivi. Do đó, hãy đảm bảo xung quanh tivi đã có ổ điện và chỗ trống cần thiết.
Trong bài viết tiếp theo, Kỷ Nguyên Số sẽ giới thiệu với bạn đọc 3 mẫu soundbar “giá mềm”, chất lượng âm thanh tốt trong phân khúc 2-3 triệu đồng.