Chia sẻ với Zing, nhiều chuyên gia nhận định những mẫu laptop sử dụng vi xử lý do chính Apple thiết kế sẽ là bước ngoặt trong thị trường máy tính.
Tại sự kiện diễn ra rạng sáng 11/11, Apple đã công bố 3 mẫu máy tính đầu tiên sử dụng vi xử lý Apple Silicon do chính hãng thiết kế. Mac mini, MacBook Air và MacBook Pro mới đều sử dụng con chip Apple M1, mà Apple cho là có những ưu điểm vượt trội.
Đại diện của Táo khuyết cho rằng máy tính Apple dùng chip M1 có hiệu năng lẫn thời lượng sử dụng pin vượt xa những mẫu laptop thông thường ở cùng tầm giá.
Apple khẳng định thời lượng pin của MacBook Air mới tăng gấp rưỡi ở khả năng xem video so với đời trước và đây là “những chiếc Mac có pin tốt nhất từ trước đến nay”.
Bên cạnh đó, hãng cũng cho biết các ứng dụng iOS, iPadOS sẽ chạy được trên những mẫu Mac dùng chip M1. Đây là lần đầu tiên những ứng dụng cho iOS có thể chạy trên máy tính.
“Apple đã nhắm đúng chỗ”
Hiệu năng của chip M1 liệu có vượt trội so với những mẫu laptop dùng chip Intel, AMD vẫn là điều cần kiểm chứng.
Theo Anandtech, chip Apple M1 có thể coi là một phiên bản khác của con chip Apple A14, với một số điều chỉnh như tốc độ RAM cao hơn để nâng hiệu năng. Dựa trên phân tích về cấu trúc, khả năng thực thi tập lệnh, trang công nghệ này nhận định hiệu năng của Apple M1 hoàn toàn có thể vượt qua những con chip dùng tập lệnh x86 do Intel hay AMD thiết kế.
“Intel đã tự trì hoãn mình ở thị trường này, và họ cũng đánh mất một khách hàng rất lớn từ hôm nay. AMD thì cho thấy nhiều tiến bộ, nhưng họ sẽ rất khó đánh bại Apple ở độ hiệu quả về pin.
Nếu Apple tiếp tục phát triển hiệu năng như tốc độ hiện nay, ngôi vương của dòng chip x86 sẽ mất mãi mãi”, cây viết Ryan Smith của Anandtech nhận định.
Tuy nhiên, đối với những nhà phân tích chuyên về thị trường tiêu dùng, sự thu hút của những mẫu MacBook mới không hoàn toàn nằm ở hiệu năng.
“Phần lớn người dùng phổ thông không quan tâm đến thông số hiệu năng, hay con chip nào nằm trong máy tính của họ. Hệ sinh thái ứng dụng và thời lượng pin có lẽ là 2 yếu tố thu hút nhất của những mẫu máy tính mới”, ông Ben Bajarin, nhà phân tích thị trường tiêu dùng tại Creative Strategies nói với Zing.
“Việc Apple mang cả hệ sinh thái ứng dụng iOS lên Mac giúp cho Mac sở hữu kho ứng dụng lớn nhất so với tất cả các hãng máy tính khác”, ông Bajarin nói thêm.
Phiên bản macOS Big Sur cũng là một trong những điểm thu hút nhất của hệ sinh thái Apple. Không chỉ hỗ trợ các ứng dụng iOS, iPadOS trên những mẫu Mac mới, việc thay đổi giao diện gần với thiết kế iOS hơn cũng khiến hệ sinh thái trở nên đồng nhất.
“Với những model Mac trước đây, chúng ta đang nói đến chuyện Apple đối đầu với Windows PC. Bản cập nhật mới của Mac khiến cho việc sử dụng chúng giống iPhone hơn, và tôi có thể dùng nó như một thiết bị mở rộng cho các máy iOS của mình”, bà Carolina Milanesi, Giám đốc phân tích của Creative Strategies nhận định.
Với những ưu điểm vượt trội, dòng Mac sử dụng chip Apple M1 cho thấy những nỗ lực tự phát triển vi xử lý của Apple là không phí hoài.
“Mọi người thắc mắc vì sao phải mất 3 năm, từ khi có những tin đồn đầu tiên, Apple mới công bố con chip của họ. M1 đảm bảo khả năng tương ứng với những công việc của Mac”, Don Dingee, nhà sáng lập công ty tư vấn Stratiset chia sẻ trên trang cá nhân.
Apple đã thật sự tự tin?
Tuy được đánh giá cao về hiệu năng và pin, khó có thể khẳng định con chip Apple M1 sẽ đem đến thành công cho dòng sản phẩm Mac. Ngoại trừ 3 chiếc Mac mới ra mắt và số ít các mẫu máy tính chạy vi xử lý ARM, thị trường máy tính cá nhân vẫn đang do Intel thống trị, và đang bị đe dọa bởi sự nỗ lực của AMD.
Bà Milanesi chỉ ra rằng MacBook Air là máy tính bán chạy nhất của Apple. Trong khi đó, Mac mini lại là thiết bị phù hợp cho những nhà phát triển. Lựa chọn những mẫu máy laptop được yêu thích nhất của mình để tích hợp vi xử lý M1 sẽ giúp Apple nắm rõ nhu cầu của thị trường.
Ông Patrick Moorhead, nhà sáng lập Moor Insights & Strategy lại cho rằng những lời khẳng định về hiệu năng của Apple vẫn chưa được kiểm chứng. Nhà phân tích này cũng chỉ ra giá của các mẫu MacBook mới chưa đủ hấp dẫn người mua.
“Nếu so sánh 2 mẫu MacBook 13 inch Pro, có thể nhận ra con chip Intel mới là yếu tố mà Apple dùng để bán sản phẩm đắt tiền hơn. Bỏ ra thêm 300 USD, bạn có chip Intel, bộ nhớ gấp đôi, và có thêm 2 cổng Thunderbolt. M1 chỉ là con chip dùng cho dòng máy giá thấp”, ông Moorhead chia sẻ trong video bình luận sau sự kiện của Apple.
Những mẫu máy tính mới của Apple sẽ được bán ra ngay từ tuần sau. Tuy nhiên, chiến lược của hãng kéo dài nhiều năm nữa, với ý muốn chuyển hẳn từ chip Intel sang Apple Silicon.
Lợi nhuận và khả năng kiểm soát hoàn toàn chuỗi cung ứng là những lý do khiến Apple quyết tâm như vậy. Trong các chi phí của một chiếc laptop, riêng những phần cứng bán dẫn đã chiếm khoảng 20%. Kiểm soát và tối ưu linh kiện quan trọng này sẽ giúp Apple giảm giá laptop trong tương lai.
“Khi bạn hoàn toàn kiểm soát các linh kiện của mình, bạn có thể tiết kiệm rất nhiều”, ông Bob O’Donnell, Chủ tịch kiêm nhà phân tích chính của công ty TECHnalysis Research nói với Zing.
Dù những dòng MacBook mới có thành công hay không, Apple cũng đã tạo ra một cú sốc đủ lớn để toàn bộ ngành công nghiệp máy tính, từ hãng thiết kế chip như Intel tới những nhà sản xuất khác phải tính toán lại chiến lược của mình.
“Đã lâu rồi mới có một công bố lớn như vậy trong ngành máy tính. Tác động thực sự nằm ở chỗ nó sẽ khiến nhiều thứ khác phải thay đổi”, Steven Sinofsky, cựu Giám đốc Mảng phần mềm Windows của Microsoft chia sẻ trên trang cá nhân.